Năm 2017, phường Thuận Phước và phường Thạch Thang là 2 khu vực thí điểm đầu tiên thực hiện dự án “quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế trên địa bàn TP Đà Nẵng”.
Ông Hà Văn Đức, trưởng Phòng TN-MT quận Hải Châu cho biết, sau khi dự án được triển khai, nhận thức của người dân có chuyển biến rõ rệt. Người dân có thể tiếp cận trực tiếp, dễ dàng khi dự án có sự đa dạng trong cách thức, tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng quy mô. Phương tiện phân loại có sự đổi mới.
Là đơi vị hợp tác của dự án, ông Kazuo Fukuyama, Tổng Cục trưởng Cục tái chế tài nguyên và chất thải TP Yokohama (Nhật Bản) nhìn nhận dự án có nhiều thách thức. Cụ thể như, việc gom chủ yếu từ cộng đồng và phối hợp với công ty môi trường nên không có nhiều phương án thu gom, không có nhiều lộ trình thu gom rác tái chế và cơ sở tái chế hoạt động không đảm bảo; chưa thể xác định rõ ràng về dòng rác tái chế các yếu tố như loại, lượng, phương pháp xử lý trong mỗi quá trình.
Ông Đinh Quang Cường, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho rằng, việc thu gom chỉ mới dừng lại ở việc người dân thu gom và bán lại. Các cơ sở tái chế trên địa bàn còn manh mún với thiết bị nghèo nàn. "Vì vậy, thành phố cần có cơ chế thích hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư thí điểm, phát triển các cơ sở có đủ năng lực tái chế rác tài nguyên trở thành những sản phẩm có ích cho cộng đồng”, ông Đinh Quang Cường nhấn mạnh.
Theo kế hoạch, năm 2020, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai dự án, trong đó chú trọng tổ chức đấu thầu, cung cấp tài liệu, trang thiết bị, xây dựng chương trình truyền thông hiệu quả cùng với thúc đẩy tiến độ trạm trung chuyển rác tập trung. Đà Nẵng cũng phối hợp các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật để lồng ghép thực hiện phong trào chống rác thải nhựa và với thành phố Yokohama trong việc đánh giá và xây dựng chuỗi tái chế rác giai đoạn 2.