Tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), việc phân loại và thu gom rác thải tài nguyên được tiến hành thường xuyên. Các vật dụng như thùng carton, chai nhựa, nắp chai, hộp sữa… đều được các thầy cô và các em học sinh phân loại. Sau đó, tất cả được sử dụng làm vật liệu để sáng tạo sản phẩm tái chế như: đồ dùng học tập, đồ chơi, tranh ảnh tham gia các ngày hội, gây quỹ cho chương trình giúp đỡ học sinh khó khăn…
Em Nhã Uyên, học sinh lớp 5/3 Trường Tiểu học Lê Đình Chinh tiến hành phân loại rác thải |
Tham gia hoạt động, em Nhã Uyên, học sinh lớp 5/3 Trường Tiểu học Lê Đình Chinh chia sẻ, "việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn đối với em. Hành lang trường được bố trí thùng rác phân loại để em cùng các bạn có thể thuận tiện thực hiện phân loại rác thường xuyên, bảo vệ môi trường".
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh đánh giá cao mô hình và mong muốn những Chuyến xe Kế hoạch nhỏ tiếp tục lăn bánh, đến nhiều ngôi trường hơn, qua đó, lan tỏa thói quen phân loại rác, bảo vệ môi trường đến học sinh cũng như cộng đồng; giáo dục các em về truyền thống lá lành đùm lá rách, sẻ chia với bạn khó khăn. Bên cạnh đó, nhà trường cũng hướng đến việc các em thực hiện phân loại ngay tại chính gia đình của mình.
Nhiều em học sinh trên địa bàn TP Đà Nẵng khá hứng khởi khi tham gia mô hình |
Cô Phạm Thị Mỹ Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, bản thân các thầy cô giáo cũng luôn thực hiện phân loại rác để làm gương cho các em. Quy trình các bước thực hiện việc phân loại rác thải và gây quỹ giúp bạn được hướng dẫn cụ thể đảm bảo các nội dụng mang tính giáo dục, thiết thực, hiệu quả, an toàn, lành mạnh phù hợp với thiếu nhi và điều kiện của từng đơn vị. Sau mỗi tuần, Tổng phụ trách đội sẽ tiến hành thống kê, liên hệ với cơ sở thu mua rác tài nguyên và quy đổi số rác này thành kinh phí ở từng khối, lớp. Số tiền gây quỹ được từ việc bán rác thải tài nguyên được trường sử dụng để tổ chức chương trình giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, quỹ tiếp sức đến trường.
Năm 2022, mô hình “Chuyến xe Kế hoạch nhỏ - Phân loại rác thải - Gây quỹ giúp bạn” được triển khai tại 14 trường tiểu học ở Đà Nẵng. Qua thực tế triển khai, số lượng rác thải tài nguyên thu từ 3 ngăn của Chuyến xe Kế hoạch nhỏ sau 8 tháng thực hiện gồm: 1.190kg vỏ lon, vỏ chai các loại; 2.043kg giấy các loại và 661kg chai nhựa. Ngoài ra, các loại giấy lớn như thùng carton, chai nhựa đã qua sử dụng, nắp chai, hộp sữa đều được các thầy cô cùng các em phân loại tại lớp làm các sản phẩm tái chế như đồ dùng học tập, đồ chơi, tranh ảnh tham gia ngày hội, phiên chợ kế hoạch nhỏ. Tất cả các số tiền bán được từ các sản phẩm trên sử dụng vào chương trình “Em nuôi khăn quàng đỏ”, tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu đồ dùng học tập, chương trình “Xuân yêu thương”… với tổng số tiền gần 41 triệu đồng.
Thành đoàn Đà Nẵng đã hướng dẫn quy trình các bước thực hiện, lưu ý mỗi Liên đội xây dựng kế hoạch thực hiện, đảm bảo tính lan tỏa rộng rãi, giáo dục, tinh thần tự nguyện |
Trong năm học này, Chuyến xe Kế hoạch nhỏ tiếp tục “lăn bánh” đến 18 trường tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng. Theo anh Lê Công Hùng, Phó Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, thời gian qua, các Chuyến xe Kế hoạch nhỏ đã thực sự lan tỏa và nhận được sự quan tâm của học sinh. Với mô hình này, Thành đoàn mong muốn các em biết và rèn cách phân loại rác thải tại nguồn, qua đó giúp giảm thiểu lượng rác ra ngoài cộng đồng, đóng góp cho môi trường của TP Đà Nẵng ngày càng xanh đẹp hơn.
Bên cạnh đó, hoạt động này giúp các em học được cách tiết kiệm từ những việc làm nhỏ nhất trong đời sống hàng ngày. Từ nguồn này, các em có thể gây quỹ hỗ trợ cho chương trình của lớp từ chính các em vận động. Việc phân loại, thu gom rác thải tài nguyên được tiến hành hằng tuần và cần tuyên truyền thường xuyên vào các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp…
Thành Đoàn Đà Nẵng phát động nhân rộng mô hình Chuyến xe Kế hoạch nhỏ - Phân loại rác thải - Gây quỹ giúp bạn năm 2023 |
“Trước mắt, trong giai đoạn này, Thành đoàn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ở 14 trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu và tiếp tục tìm kiếm nguồn lực để lan tỏa mô hình đến tất cả trường học và rộng hơn là các khu dân cư”, anh Lê Công Hùng nói.