Cúc hoa mi là loài hoa nổi tiếng ở Hà Nội, Đà Lạt,... có màu trắng rất đặc biệt, nở rộ vào mỗi độ Thu sang Đông về. Kể từ cuối năm 2019, theo bà Tống Thị Minh Hồng (42 tuổi, nhân viên Trung tâm y tế quận Cẩm Lệ), đây là lần đầu tiên bà trông thấy cúc họa mi nở vào mùa xuân - điểm độc đáo đối với khu vườn này.
“Cúc họa mi mang một vẻ đẹp mộc mạc, thanh khiết nên tôi cũng chọn những trang phục nhẹ nhàng, thanh lịch là phù hợp nhất”, bà Hồng chia sẻ.
Tranh thủ ngày cuối tuần, chị Võ Thị Diễm (27 tuổi, trú quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho hay, vườn hoa rất đông khách vào dịp cuối tuần, tuy nhiên với một diện tích nhỏ bé nên nhiều bạn trẻ phải “xếp hàng” để chờ tới lượt mình.
Cũng theo chị Diễm, để tránh sự đơn điệu nhàm chán, vườn hoa cúc họa mi nên có thêm nhiều không gian sáng tạo, bố trí thêm nhiều góc chụp hình đẹp được phối cảnh, mô hình có gắn hoa cúc họa mi để người chụp có thêm không gian sinh động.
Với 20.000 cây cúc hoạ mi trong vườn ươm rộng 300 m2, khác với lần trước, cúc họa mi trái vụ lần này được tạo ra từ phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật do các kỹ sư tại Trung tâm nghiên cứu ươm trồng chứ không phải nhập giống có sẵn. Thời gian ươm tạo cúc họa mi trái mùa (từ bỏ giống đến ra hoa) khoảng 3 tháng.
Cúc họa mi trái mùa được ươm tạo thành công ra bông to hơn, thắm hơn nhiều so với cúc họa mi đúng vụ, tuy nhiên thời gian từ lúc nở hoa đến lúc tàn của cúc họa mi trái mùa là vào khoảng 15 ngày, thay vì 1 tháng nếu đúng mùa.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quyết, nhân viên Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, nhược điểm lớn nhất của cúc họa mi trồng trái mùa đó là thời tiết mưa nhiều và thiếu nắng nên cây dễ bị suy, vì vậy, các kỹ sư của Trung tâm phải thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của cây để điều chỉnh dinh dưỡng cũng như điều kiện sống để cây có thể phát triển phù hợp với điều kiện trái mùa.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng cho biết, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục thử nghiệm trồng hoa cúc họa mi trái vụ vào mùa hè nhiệt độ rất cao tại Đà Nẵng; trồng thêm 1 số loại hoa mới để phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng lãm của người dân cũng như chuyển giao công nghệ cho các nhà vườn làm nông nghiệp công nghệ cao.
“Đối với cúc họa mi, nếu các nhà vườn, các quận huyện có nhu cầu, Trung tâm sẽ chuyển giao quy trình công nghệ trồng theo hình thức chuyển giao từ khi cây giống ra vườn đến khi nở hoa hoặc nếu các nhà vườn có đủ nhân lực thì Trung tâm sẽ chuyển giao quy trình nhân giống để họ tự chăm sóc”, ông Minh nói.
Ngoài cúc họa mi, Trung tâm còn trồng thử nghiệm và đã chuyển giao công nghệ trồng nhiều loại hoa lan (hồ điệp, Mokara), hoa ly cho người dân làm nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Nẵng. Nhờ vậy, hiện nhiều nhà vườn đã trồng thành công và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm hoa lan, hoa ly chất lượng cao.
>>>Một số hình ảnh ghi nhận tại vườn cúc họa mi: