Theo ghi nhận, sáng nay (27-8), quận Sơn Trà có chợ An Hải Bắc được phép mở bán. Theo bà Cù Thị Anh, thành viên tổ 66 phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), trước những khó khăn khi người dân mua hàng tại siêu thị, việc chợ truyền thống được khôi phục nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện của phòng chống dịch là chính sách hợp lý của lãnh đạo TP Đà Nẵng. Là người đi chợ trong giờ đầu tiên, bà phấn khởi khi hàng hóa khá đa dạng nhưng là ngày đầu nên người bán lẫn người mua còn còn lúng túng.
“Vì phòng chống dịch, lượng tiểu thương được phép hoạt động rất hạn chế nên có khi một người tiếp đến 3 khách hàng cùng một lúc vừa soạn hàng vừa tính tiền, rất vất vả”, bà Anh chia sẻ.
Còn bà Huỳnh Thị Kim Huệ, thành viên tổ 35 phường An Hải Bắc cho biết, sáng nay bà được phân công đi chợ hộ mua hàng cho khoảng 8 hộ gia đình vào lúc 9 giờ. Tại chợ, bà Huệ cảm thấy yên tâm phần nào bởi khoảng cách giữa các gian hàng được giãn rộng với khoảng 2m; trước mỗi gian hàng đều được giăng tấm bạt trong ngăn cách giữa người bán và người mua,... Tuy nhiên, các tổ đi chợ mua theo khung giờ thì lượng hàng hóa cũng chia đều cho từng khung giờ để người đi sau vẫn đảm bảo có hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Một, tiểu thương bán hàng tại chợ An Hải Bắc, do dịch Covid-19 các tiểu thương không thể chủ động về nguồn hàng được, mặt hàng tươi sống dù đa dạng nhưng do nhu cầu lớn nên chỉ trong 2/3 buổi chợ đã hết sạch.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc cho biết, mỗi lối ra vào chợ đều có lực lượng hướng dẫn người dân thực hiện quy định 5K. Lực lượng kiểm soát và tiểu thương đều được tiêm vaccine và xét nghiệm SAR-CoV-2.
Ông Phạm Tấn Thành, Trưởng ban quản lý các chợ quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng), khi có thông báo mở lại chợ, đơn vị phối hợp với UBND địa phương rào quanh chợ bằng lưới B40 chỉ chừa 2 lối ra và vào; căng tấm bạt trong suốt để tạo thành vách ngăn theo từng gian; vị trí các gian hàng được tạo khoảng cách nhất định và khoảng 40 tiểu thương chia làm 2 ca bán theo ngày chẵn lẻ được tiêm vaccine và xét nghiệm định kỳ.
Hiện các nguồn cung cấp rau, cá truyền thống đã bị đứt gãy, đơn vị tìm mọi cách liên lạc và chuyển hàng từ các nơi Gia Lai, Quảng Ngãi, Đà Lạt, Quảng Nam,.. trên cơ sở đó phân bổ cho từng tiểu thương theo số lượng tiểu thương đăng ký (hàng về giờ nào thì phân bổ giờ đó có khi sáng sớm).
“Việc tìm nguồn hàng là một sự nỗ lực của các đơn vị. Các mặt hàng cá, thịt đông lạnh không phù hợp thị hiếu khách hàng, khi tiểu thương không bán hết sẽ không thể cấp đông trở lại vì không đảm bảo an toàn thực phẩm. Nếu lấy nguồn hàng tại hệ thống siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi thì tiểu thương rất khó vì giá cao”, ông Thành chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu cho biết, hiện quận đã mở lại 3 chợ truyền thống gồm chợ Hòa Mỹ (10 tiểu thương), chợ Hòa Khánh (20 tiểu thương), chợ Nam Ô (10 tiểu thương) bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu gồm rau củ quả, thịt cá, hàng gia vị. Một số tổ dân phố còn chủ động liên lạc với tiểu thương để nắm bắt các mặt hàng sau đó thông báo cho người dân trong tổ đăng ký, sau đó sẽ đi mua.
“Tiểu thương và người phụ bán ngoài tuân thủ 5K, còn phải mang kính chống giọt bắn, rửa tay thường xuyên. Khách vào chợ sẽ theo từng lượt, không để quá đông người cùng vào một lúc”, ông Hà cho hay.
Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng ban quản lý chợ Hàn (quận Hải Châu) cho biết, sáng nay (27-8), BQL chợ đã phát giấy đi đường (do Công an Đà Nẵng cấp) cho 18 tiểu thương. Các tiểu thương sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SAR-CoV-2 3 ngày/1 lần, đồng thời sẽ vệ sinh quầy kệ, chuẩn bị mở bán hàng vào ngày mai. Đối với người mua hàng, chỉ 1 đại diện của mỗi tổ tại mỗi phường (số lượng tổ và thời gian mỗi tổ đi chợ do phường quy định) được vào chợ. Khi mua hàng xong đưa ra điểm tập kết (mỗi tổ mỗi điểm) rồi vào mua tiếp. Chợ Hàn sẽ cung ứng 1 phần hàng hóa cho 13 phường trên địa bàn quận Hải Châu.
>>> Ghi nhận hoạt động tại chợ An Hải Bắc: