Chẳng hạn, ở phía Nam Đà Nẵng - phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) và phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) trước đây là cánh đồng và ao tôm bạt ngàn khoảng 1.000ha và thấp trũng. Mỗi khi có mưa lớn hoặc lũ từ thượng nguồn đổ về, khu vực này trở thành nơi chứa nước tự nhiên. Tuy nhiên, hơn 10 năm trở lại đây, cánh đồng bị san lấp làm khu đô thị, cốt nền được nâng cao hơn nội thành; khẩu độ của mặt sông bị thu hẹp... làm giảm khả năng thoát nước.
Ở phía Bắc, nơi giáp với vịnh Đà Nẵng, tuyến kè bê tông chắn sóng đường ven biển Nguyễn Tất Thành cao hơn mặt đường tầm 0,8-1m. Khi mưa lớn kéo dài, lượng nước vượt năng lực thoát nước của các cống dẫn ra biển như kênh Phú Lộc, trạm bơm Thuận Phước…
Ở phía Đông, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng lên sát biển cũng chặn đường thoát nước tự nhiên. Trong khi đó, hệ thống cống thoát nước dù được đầu tư hiện đại nhưng lại nằm cắt ngang dòng chảy ra biển nên năng lực thoát nước cũng giảm.
Ở phía Tây, do thời gian qua nhu cầu xuất khẩu viên gỗ nén tăng mạnh, nguyên liệu gỗ tăng rất cao nên người dân ồ ạt khai thác cây keo lai để bán, biến những ngọn núi thành đồi trọc. Thiếu thảm xanh giữ nước, khi có mưa lớn, nước ồ ạt đổ về hạ du. Kèm với đó, tại thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia, trước đó mấy ngày, hệ thống hồ thủy điện xả nước để dành dung tích dự phòng cắt lũ làm tăng lượng nước trên sông Yên, Cẩm Lệ, sông Hàn dẫn đến giảm khả năng thoát nước ra sông của hệ thống thoát nước đô thị.
Theo TS Lê Hùng (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), dự báo mưa cực đoan ngày càng xảy ra nhiều. Từ mưa bất thường đến những bất cập về hạ tầng cần được phân tích rõ nhằm có giải pháp và sự chuẩn bị, để không còn những cơn “đại hồng thủy” đánh úp thành phố.
Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết, sở đang lập bản đồ ngập lụt của thành phố để tiến tới cảnh báo sớm cho người dân. Giải quyết vấn đề ngập lụt cần giải pháp tổng thể cũng như cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chứ không chỉ lĩnh vực xây dựng và quy hoạch.