Đà Nẵng: Nắm bắt tâm lý, cảm hóa thanh thiếu niên hư

Ngày 16-4, tại chương trình đối thoại giữa lãnh đạo TP Đà Nẵng với thanh niên với chủ đề “Thanh niên Đà Nẵng tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới, văn hóa văn minh đô thị”, nhiều đoàn viên thanh niên thảo luận sôi nổi, tập trung vào vấn đề văn hóa học đường, giảm thiểu thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.

48 cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” do Ban Bí thư Trung ương Đoàn trao tặng. Ảnh: XUÂN QUỲNH
48 cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” do Ban Bí thư Trung ương Đoàn trao tặng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tăng cường nắm bắt tâm lý học sinh

Tại chương trình, chị Nguyễn Thị Tuyết, Đại học Duy Tân cho rằng, gần đây, trên khắp mặt báo không khó để thấy các tin bài về vấn nạn bạo lực học đường. Ngày càng có nhiều sự việc học sinh có hành xử thiếu chuẩn mực đối với giáo viên. Điều này là dấu hiệu cho thấy sự đi xuống của văn hóa học đường, nếu không có những biện pháp kịp thời, tình hình này có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Đề cập tình trạng này, ông Mai Tấn Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho rằng, vấn nạn bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, tuy nhiên ngày càng có chiều hướng gia tăng và phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến như ảnh hưởng tâm lý lứa tuổi, gia đình, môi trường học tập và cộng đồng xã hội; tác động tiêu cực của mạng xã hội, game, những hành động bạo lực từ phim ảnh,…

Để nâng cao văn hóa học đường, theo ông Linh, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tăng cường nắm bắt tâm lý học sinh để có hướng giáo dục phù hợp nhất là học sinh đầu cấp. Thông thường, học sinh lớp 6, lớp 10 có những biểu hiện bất thường khi các em ở môi trường, địa phương khác nhau nên khi đến học thường sẽ có những xung đột, thậm chí là sự việc đáng tiếc. Điển hình như vụ việc tại trường THCS Nguyễn Thiện Thuật (quận Cẩm Lệ).

z5353699143523_f447aa61aaf1804d0ff627cede90bc72.jpg
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đưa ra giải pháp

“Xác định trách nhiệm của ngành giáo dục vẫn là chính. Theo đó, chúng tôi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 đào tạo bồi dưỡng năng lực dạy học và quản lý đối với cán bộ, giáo viên tại các trường; phối hợp với phụ huynh thực hiện ký cam kết giáo dục học sinh trong đầu năm, nhất là đầu cấp. Đặc biệt, chúng tôi thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và nhân rộng mô hình liên kết giữa nhà trường với công an địa phương, câu lạc bộ phòng, ngừa tội phạm ở nhà trường”, ông Linh chia sẻ.

Mới dừng lại tập hợp thanh niên tiên tiến

Theo ông Tô Văn Hùng, Bí thư huyện ủy Hòa Vang, hoạt động đoàn thanh niên thời gian qua triển khai tốt nhưng mới dừng lại ở tập hợp thanh niên tiên tiến. Đoàn thanh niên cần quan tâm các bạn thanh thiếu niên hư, có nguy cơ vi phạm pháp luật. Một trong những nguyên nhân vẫn là cơ hội vào cấp 3 công lập rất hạn chế. Bình quân một năm có khoảng 750 em không được tiếp tục theo học trường công lập. Các em chỉ có thể lựa chọn là vào trường tư thục (với điều kiện ở huyện Hòa Vang rất khó) hay là trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc đi học nghề.

z5353701141511_3849e9374efd771b652c9770eeae48fc.jpg
Ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang góp ý. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Thực tế, việc đầu tư cho Trung tâm giáo dục thường xuyên cơ sở 2 của Trung tâm giáo dục thường xuyên số 3 rất hạn chế. Mặc dù chức năng của Trung tâm không thua gì một trường đại học (chỉ trừ đào tạo Thạc sĩ…) hay trường nghề. Vì vậy, ông Tô Văn Hùng đề nghị giữ lại và quan tâm đầu tư Trung tâm này. Đây là cơ hội để thanh niên niên Hòa Vang có cơ hội học cấp 3, học nghề. Đồng thời, mong muốn TP Đà Nẵng quan tâm mở rộng điều kiện cho học sinh cấp 2 tại Hòa Vang được vào cấp 3 để các em có môi trường được rèn luyện, quản lý.

Đề cập đến thanh niên thường xuyên vi phạm, theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, một bộ phận thanh niên không cống hiến gì cho gia đình, xã hội mà còn trở thành gánh nặng khi không học tập, làm việc, kết bè bạn qua mạng xã hội, lôi kéo nhau tham gia các hoạt động phạm pháp. Điển hình, cách đây gần nửa tháng, 2 thanh niên ngồi uống bia với nhau nhưng trong lúc không kiềm chế được cảm xúc đã khiến một người đâm tử vong người kia.

“Thực tế hiện vẫn còn nhiều thanh niên ngồi cà phê buổi sáng đến 12 giờ trưa. Về nhà ăn trưa xong ngủ đến chiều, không có việc làm. Trong khi đó những đối tượng xấu lôi kéo hàng ngày mà nếu các bạn trẻ không có bản lĩnh, không có sự quan tâm của các cấp, hội thì rất dễ đẩy họ vào con đường xấu”, ông Chinh nêu.

16-4 DOI THOAI THANH NIEN5.jpg
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng mong muốn, đoàn viên thanh niên tiếp tục chung tay với gia đình, cộng đồng giúp đỡ những thanh niên chưa tốt bằng cách tổ chức nhiều hơn nữa những sân chơi bổ ích, phân loại từng nhóm đối tượng hỗ trợ để có cách tuyên truyền riêng. Đặc biệt, các bạn trẻ cần cần sử dụng mạng xã hội, tiếp nhận thông tin chọn lọc để phục vụ công việc, phát triển bản thân.

Tin cùng chuyên mục