Đà Nẵng: Mỗi người sẽ được cấp mã QR để thích ứng an toàn với dịch bệnh
SGGPO
Trưa 27-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho biết, trong thời gian đến, các cơ sở kinh doanh chỉ được phép mở cửa khi có phương án thích ứng an toàn phòng, chống dịch và thiết bị kiểm soát mã QR. Mỗi cá nhân được cung cấp mã QR và sử dụng khi đến nơi đông người.
Theo đó, tùy từng cấp độ dịch, người dân sẽ được đi lại và tham gia các hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà, học tập, đến trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; tham gia các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, đám tang, đám cưới, thể dục, thể thao, tham quan du lịch, các sự kiện văn hóa nghệ thuật, mít tinh, phát động; tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đến các cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao… với các mức độ, biện pháp khác nhau.
Để tham gia các hoạt động theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, TP Đà Nẵng yêu cầu các cá nhân thực hiện nghiêm quy định 5K; tích cực tham gia tiêm vaccine phòng Covid-19.
Mỗi cá nhân được cung cấp 1 mã QR theo hướng dẫn. Người dân sẽ thường xuyên sử dụng mã QR khi đến nơi đông người, đến nơi làm việc, học tập, tham gia các hoạt động và trở thành thói quen, nếp sống của bản thân.
Khi vào TP Đà Nẵng, người dân sẽ phải khai báo từ trước trên ứng dụng phần mềm theo hướng dẫn của Sở TT-TT Đà Nẵng và được hệ thống tự động cấp mã QR nếu đủ điều kiện và quét mã QR ở các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào.
Trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực tại các chốt sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Việc khai báo chính xác, đầy đủ là cơ sở để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khi mở ra hoạt động phải có phương án thích ứng an toàn phòng, chống dịch trong từng lĩnh vực hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch. Mỗi ngày, các đơn vị bắt buộc phải kiểm soát mã QR của những người đến làm việc, học tập và sử dụng các dịch vụ - thương mại.
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 26-9, trong tình hình mới, lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo chuẩn bị kỹ các khâu để sẵn sàng sống thích ứng, an toàn và linh hoạt với Covid-19 trong tình hình mới.
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, văn bản dự thảo tập trung nhiệm vụ về các phường, xã nên trách nhiệm ở cấp này sắp tới sẽ nặng nề. Trong đó, một số nội dung nếu không thống nhất sẽ gây khó trong thực tiễn. Cụ thể là trạm y tế lưu động, oxy y tế, điều trị F0 tại nhà... Điều này không phù hợp với đặc thù địa phương nhưng lại quy định trong hướng dẫn chung của dự thảo quốc gia. Vì vậy, ông đề nghị từng phường xã chủ động xây dựng phương án ngay bây giờ để ứng phó, có thời gian điều chỉnh và sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát.
Về việc sử dụng mã QR, theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, TP Đà Nẵng hướng đến 2 mục tiêu, đó là nắm được thông tin người đi vào cửa ngõ có nguy cơ hay không, thông qua tình trạng xét nghiệm, tiêm vaccine, đến từ đâu. Mục tiêu thứ hai và quan trọng nhất là giúp địa phương truy vết trong trường hợp có ca mắc.
Về việc mở cửa các hoạt động mới, ông Quảng cho biết, đang chờ hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế về các biện pháp thích ứng, bảo đảm an toàn, linh hoạt. Thời điểm này, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP Đà Nẵng cần chuẩn bị kỹ các văn bản, hướng dẫn khi sẵn sàng thì ban hành thực hiện ngay.
Trong đó, tập trung vào dự thảo của chỉ thị, các nội dung cơ bản của quyết định tạm thời, lưu ý các điều kiện kèm theo như các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có phương án phòng, chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế; có các biện pháp kiểm soát người khi đến các khu, điểm; mỗi cá nhân phải thực hiện khai báo y tế bằng mã QR khi tham gia học tập, sản xuất, kinh doanh…
Theo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Sở TT-TT Đà Nẵng cần nghiên cứu để đưa 4 cấp độ cũng như các chỉ số tương ứng vào ứng dụng. Quan trọng nhất, ngành y tế phải có hướng dẫn cụ thể về thiết lập trạm y tế lưu động, rà soát lực lượng lưu động khi cần có thể tận dụng như cán bộ y tế nghỉ hưu, sinh viên...
“Đây là những vấn đề sống còn, khi chúng ta mở cửa là chấp nhận rủi ro lớn nên cần có nền tảng vững chắc, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Chúng ta không có xu hướng điều trị F0 tại nhà. Tuy nhiên, chúng ta không thể chắc chắn là kiểm soát được mọi lúc, việc này là sự chuẩn bị cần thiết”, bà Yến nhìn nhận.