Cần những công bố rõ ràng
Chỉ vài phút trình diễn phun lửa, phun nước tại cầu Rồng, những ngày gần đây, nhiều du khách, người dân nán lại để xem, lưu lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp này. Cách đó không xa, cầu Tình yêu, công viên vườn tượng APEC ở 2 bên bờ sông Hàn cũng là điểm đến du lịch lý tưởng được nhiều bạn trẻ, gia đình và du khách đến Đà Nẵng lựa chọn. Đây là những tín hiệu cho thấy khách du lịch đang dần quay trở lại với Đà Nẵng sau thời gian dài vắng bóng.
Với triển vọng phục hồi du lịch, theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, TP Đà Nẵng vẫn là điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất Việt Nam tại các thị trường lớn.
Theo ông Dũng, sắp tới, Hiệp hội Du lịch sẽ công bố 4 nhóm sản phẩm trọng điểm để kích cầu du lịch khi mở cửa đón khách. Các nhóm sản phẩm tập trung giảm giá sâu, tăng chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm tiện ích cho du khách.
Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị lần mở cửa này phải có sự quyết liệt của hệ thống chính trị, những công bố mạnh mẽ, chủ động trong kiểm soát dịch bệnh. Hiện du khách còn sự chần chừ, có tâm lý ngại khi đến Đà Nẵng.
Còn theo ông Huỳnh Đức Trường, Giám đốc Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho hay, hiện TP Đà Nẵng đã có 97 biên bản ghi nhớ đối với 45 địa phương, 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong thời gian tới, tiếp tục làm việc với Bộ Ngoại giao để đưa các sự kiện lớn về với TP Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút du khách về với địa phương. Để thực hiện, theo ông Trường, cần có công bố như thế nào để bạn bè quốc tế hiểu rõ “TP Đà Nẵng kiểm soát được dịch bệnh” bởi mỗi ngày, số ca nhiễm ghi nhận vẫn luôn hiện hữu.
Không đóng cửa các hoạt động dịch vụ
Bà Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, để phục vụ mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương mà nhất là ngành du lịch, đơn vị tham mưu UBND TP Đà Nẵng thay đổi biện pháp phòng chống dịch theo hướng “không hạn chế đi lại của người dân, không cấm hoạt động các cơ sở dịch vụ du lịch như karaoke, massage, bar,... kể cả vùng dịch cấp 4”.
Thay vào đó, đơn vị giao trách nhiệm cho địa phương chủ động đề xuất giải pháp phòng chống dịch phù hợp khi mở cửa hoạt động các dịch vụ với điều kiện vaccine, quản lý nhân viên, đào tạo phòng chống dịch,... Trong đó, đơn vị sẽ xây dựng cụ thể kịch bản phòng chống dịch phù hợp với từng loại hình hoạt động như ở quán bar, vũ trường, karaoke, massage,...
Ngoài ra, để tạo thuận lợi đón khách quốc tế, Sở Y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tiêm chủng triệt để cho lực lượng lao động ngành du lịch.
Thay mặt Lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị ngành y tế tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng công bố cấp độ dịch để tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp du lịch khi đón khách, du khách an tâm khi đến Đà Nẵng. Quan trọng hơn hết, các đơn vị, doanh nghiệp ứng xử với các trường hợp mắc Covid-19 khi xảy ra và mức độ áp dụng các biện pháp quản lý hành chính.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định, du lịch vẫn là thế mạnh và ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Dù đóng góp vào ngân sách không cao nhưng hoạt động du lịch đóng góp lớn vào tăng trưởng, tạo sản phẩm xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập bình quân đầu người. Bởi đây là một ngành kinh tế tổng hợp đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành mới có thể tổ chức thực hiện hiệu quả.
Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng cần xem xét xây dựng quy chế phối hợp với đơn vị, đa ngành để có sự ràng buộc, thuận lợi khi kiểm điểm, đánh giá các hoạt động. Trong đó, nhấn mạnh phối hợp kiểm soát dịch bệnh - điều kiện hàng đầu; phối hợp tạo ra các điều kiện thuận lợi về hạ tầng, nguồn nhân lực. Ngoài ra, thái độ phục vụ, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường... của công an, nhân viên du lịch, môi trường góp phần tạo ra hình ảnh tốt, tác động trực tiếp để thu hút khách trở lại.