Chật vật ngày dịch
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, nhất là công nhân, người lao động, sinh viên ở các khu nhà trọ chật hẹp, nóng bức. Căn phòng trọ nhỏ chưa đầy 20m2 tại 108 Đồng Kè (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) là nơi che nắng che mưa cho gia đình anh Châu Tấn Trường (30 tuổi). Ngày thường, anh làm nghề sơn vôi, vợ anh là cô giáo mầm non.
Nhưng rồi dịch bùng phát, gần 2 tháng nay, khi TP Đà Nẵng siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, anh Trường thất nghiệp. Vợ anh, chị Hoàng Thị Minh (26 tuổi), là giáo viên một trường mầm non tư thục cũng nghỉ việc từ mùa dịch trước. Dù vậy, các chi phí vẫn phải trả hằng tháng, trong đó có tiền trọ, là một gánh nặng. Không những thế, khi TP Đà Nẵng áp dụng “ai ở đâu ở yên đó”, các chi phí sinh hoạt cứ thế mà tăng lên từ tiền điện, tiền nước.
Ở dãy trọ đối diện, chị Nguyễn Thị Quỳnh Nhi (23 tuổi, nhân viên công ty lữ hành du lịch) xoay xở chạy cơm từng bữa. Vừa xé gói mì, chị Nhi chùng giọng kể, Covid-19 kéo dài 2 năm cũng là chừng đó thời gian chật vật. Rồi chị Nhi làm thêm để kiếm tiền trang trải hàng tháng.
“Trước ngày Đà Nẵng phong tỏa, rau củ quả lương thực nhiều nơi bị đội giá, lao động nghèo không thể mua nổi. Tiền ăn không có, tiền thuê trọ càng không thể trả nổi”, chị Nhi than thở.
Không chỉ gia đình anh Trường, chị Nhi, những sinh viên mới tốt nghiệp đang chập chững làm quen với môi trường công sở, chưa có hợp đồng đang sống bằng thu nhập lúc có lúc không, họ tá túc ở những căn nhà trọ và đang chật vật với mọi chi phí.
San sẻ gánh nặng
Từng có cảnh ngộ như gia đình anh Trường, thấu hiểu được nỗi khó khăn của người thuê trọ, 2 tháng gần đây, bà Phan Thị Huệ, quản lý khu trọ cố gắng thuyết phục chủ nhà miễn tiền thuê phòng tháng 6 và 7 cho toàn bộ dãy trọ 16 phòng. Đồng thời, bà Huệ còn bỏ tiền túi mua 10kg gạo, mắm muối, mì tôm,… hỗ trợ cho những phòng thiếu ăn. Suất quà đó không nhiều bởi bà cũng chả phải người dư dả gì.
“Mấy cháu công nhân, sinh viên dè xẻn các thứ, tiết kiệm ít tiền mua ít con cá, mớ rau... nhìn thương lắm. Họ đã quá khổ rồi, tôi cũng tìm mọi cách để các chi phí của họ bớt được phần nào hay phần ấy để cùng nhau vượt qua dịch bệnh”, bà Huệ chia sẻ.
Khu vực quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) là nơi tập trung nhiều công nhân, sinh viên, người lao động ngoại tỉnh ở trọ. Không chỉ mình bà Huệ, các chủ trọ khác cũng cố gắng giảm tiền thuê, hỗ trợ thực phẩm cho người khó khăn qua cơn bĩ cực.
Là chủ của hơn 50 phòng trọ, bà Vũ Thị Nhu (tổ 37, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) là một trong những người hưởng ứng đầu tiên. Để giảm tiền thuê trọ, bà ghi chép từng trường hợp, hoàn cảnh người thuê để đưa ra mức hỗ trợ phù hợp. Bà Nhu cho biết, mỗi phòng trọ được giảm trung bình 200.000 đồng. Với những trường hợp mất việc, kinh tế khó khăn hay có con nhỏ thường xuyên đau ốm bà sẽ ưu tiên giảm nhiều hơn.
“Ở cùng khu trọ, tôi vẫn thường xuyên đến kiểm tra tình hình an ninh trật tự, cũng như trò chuyện cùng người thuê nên biết được công việc họ đang làm. Với tôi giúp đỡ là tốt nhưng cũng cần đúng người”, bà Nhu tâm sự.
Hơn 1 năm qua, kể từ khi Covid-19 bùng phát, ông Phạm Công Khanh (75 tuổi, trú tổ 65, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đều đặn giảm 10% - 20% tiền thuê trọ hằng tháng hỗ trợ cho công nhân, người lao động.
“Người thuê cũng là người nuôi mình nên giảm tiền trọ là điều cần thiết trong lúc dịch khiến nhiều người khó khăn. Giúp được chừng nào tôi sẽ giúp, mong sao gánh nặng của bà con sẽ vơi đi phần nào”, ông Khanh nói.
Hỗ trợ một bó rau, cân gạo giữa bộn bề khó khăn do đại dịch Covid-19 là một việc đáng quý. Và việc các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền cho khách thuê trọ thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau vượt qua thời khắc khốn khó này.
Theo Ủy Ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, tính đến ngày 12-9, Đà Nẵng đã vận động người dân có nhà, phòng trọ miễn, giảm giá tiền thuê cho người gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. |