Đây không phải là lần đầu tiên người dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang bao vây 2 nhà máy yêu cầu di dời. Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Dana Ý đề nghị chính quyền cần có câu trả lời rõ ràng với người dân và doanh nghiệp chứ không thể kéo dài mãi tình trạng này.
“Việc đóng cửa nhà máy thép Dana Ý ảnh hưởng đến 1.000 công nhân, tác động trực tiếp đến 2.000 gia đình. Do đó, phải có 1 giải pháp rõ ràng. Thành phố phải vận động, giải thích dân như thế nào để dân hiểu chứ không thể nào để người dân cứ mãi bao vây nhà máy như hiện nay, doanh nghiệp sao làm ăn được”, ông Huỳnh Văn Tân bức xúc.
Cũng theo ông Huỳnh Văn Tân, căn nguyên của sự việc là do thành phố thực hiện không nhất quán trong quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh. Mặc dù là khu vực sản xuất công nghiệp nặng nhưng Cụm công nghiệp Thanh Vinh không có vành đai ngăn cách với khu dân cư, điều này không đúng với quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc để người dân sinh sống sát cạnh cụm công nghiệp dẫn đến những tác động không thể tránh khỏi của người dân trong quá trình doanh nghiệp hoạt động sản xuất.
“Từ năm 2006 thành phố đã có chủ trương di dời các hộ dân sát cạnh nhà máy để tạo vành đai phân cách cho phù hợp với tiêu chuẩn quy hoạch cụm khu công nghiệp. Tuy vậy, các thủ tục giải tỏa, đền bù tái định cư cho các hộ dân không thông suốt, chậm tiến độ hàng chục năm dẫn đến bức xúc và phản ứng gay gắt của người dân"- ông Tân nói.
Ông Huỳnh Văn Tân cho biết thêm: "Bản thân Công ty Dana Ý đã thực hiện đúng theo chủ trương quy hoạch và đầu tư của thành phố, chấp hành quy định pháp luật về vệ sinh môi trường nên Công ty Dana Ý hoàn toàn không có lỗi trong sự việc này, mà lỗi là do UBND TP Đà Nẵng đã không nhất quán trong chủ trương quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh. Sau đó lại thực hiện quy hoạch Cụm công nghiệp Thanh Vinh nửa vời, không phù hợp tiêu chuẩn quy hoạch cụm công nghiệp”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Dana Úc cho biết, nếu tình trạng này kéo dài thêm 1 tháng nữa thì doanh nghiệp sẽ phá sản.
“Chi phí đầu tư ban đầu rất lớn nên hầu hết đơn vị phải đi vay. Bây giờ không hoạt động thì chỉ có nước phá sản” ông Nguyễn Văn An bức xúc.
Trong suốt 10 năm hoạt động, hai nhà máy Thép Dana Ý và Dana Úc phải nhận quyết định di dời của chính quyền TP Đà Nẵng đến... 3 lần. Điều này khiến doanh nghiệp luôn trong tình trạng phấp phỏng, dù rằng lỗi không thực sự thuộc về họ.
Doanh nghiệp thiệt hại
Quay lại thời điểm năm 2006 khi Đà Nẵng quyết định xây dựng KCN Hòa Khánh mở rộng. Trong giai đoạn 1, các nhà máy Thép Dana Ý và Dana Úc đã được yêu cầu di dời lên KCN Hòa Khánh mở rộng. Tuy nhiên, với lý do KCN thu hút được quá ít nhà đầu tư, và nhu cầu phát triển khu dân cư, đô thị mới tăng cao nên chính quyền thành phố Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch dừng mở rộng KCN Hòa Khánh...
Khi nhà máy tiếp tục sản xuất, xung đột bắt đầu xảy ra, đỉnh điểm là năm 2017, để khắc phục những thiếu sót trong quy hoạch giai đoạn trước, UBND TP Đà Nẵng đã quyết định di dời dân.
Trong các thông báo số: 197/TB-UBND/2016; 05TB-UBND/2017; 10TB-UBND/2017; 1195TB-UBND-QLĐTư/2017; 730TB-UBND-QLĐTư/2017 nêu rõ: Thống nhất chủ trương giải tỏa di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 2 nhá máy theo phương án đề xuất của Sở TN-MT và Sở Xây dựng là giải toả toàn bộ các hộ dân thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên tại phía Tây Nam 2 nhà máy thép. Cho phép nhà máy tồn tại một thời gian để thực hiện lộ trình di dời.
Trong thời gian được phép tồn tại, phải có giải pháp nâng cao công nghệ nhằm giảm bớt ô nhiễm môi trường, sau đó thực hiện chuyển đổi công năng sử dụng nhà máy thép sang các loại hình công nghiệp nhẹ, ít ảnh hưởng đến môi trường để đảm bảo theo quy định.
Khu vực đã giải tỏa theo nội dung trên (sau khi trừ bán kính 100m), thống nhất chuyển đổi mục đích sang đất thương mại, dịch vụ phù hợp quy hoạch. Dù vậy, đến nay các thủ tục giải tỏa, đền bù, tái định cư vẫn chưa thông suốt, chậm tiến độ khiến người dân bức xúc bao vây, phản đối hai nhà máy vẫn cứ tiếp tục.
Cuối năm 2017, trong buổi làm việc với UBND huyện Hòa Vang, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thừa nhận, nếu di dời nhà máy thì không có quỹ đất quy hoạch và kinh phí di dời rất lớn. Trường hợp giải tỏa dân trong phạm vi bán kính quá nhỏ cũng không đạt được hiệu quả tránh ô nhiễm.
Xem ra, việc đi hay ở của 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc vẫn chưa đến hồi kết. Tuy nhiên với doanh nghiệp thì thiệt hại do ngưng trệ sản xuất là không tránh khỏi. Như phân tích của ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Dana Ý: Trước khi bị tác động bởi chủ trương di dời nhà máy của thành phố công ty luôn phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng trung bình 6%-7%/năm, lợi nhuận sau thuế năm 2017 đạt hơn 70 tỷ đồng. Chưa kể, trong 10 năm qua công ty đã nộp ngân sách thành phố hàng chục tỷ đồng tiền thuế mỗi năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động.
Nhưng hiện nay, tình hình của công ty đã chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực do thay đổi chủ trương quy hoạch của thành phố. Nhà máy ngưng hoạt động từ ngày 26 - 3 đến ngày 26-9 đã gây thiệt hại cho công ty hơn 100 tỷ đồng. Kết quả hoạt động trong quý I-2018 của công ty thua lỗ trên 17,5 tỷ đồng.
Bên cạnh tình hình thua lỗ cùng thông tin bất lợi trên thị trường đã làm cho giá trị vốn hóa của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán giảm 30%, từ 9.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 2-3-2018 giờ chỉ còn 6300 đồng/cổ phiếu ngày 24-9-2018.