Đối với nghị quyết quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại TP Đà Nẵng (triển khai Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội), ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết, dự thảo nghị quyết sẽ miễn 100% số tiền nợ gốc và lãi tiền vay cần phải trả nếu sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng, làm việc ít nhất 3 năm tại các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng không quyết trước hạn mức cho vay của Chính phủ có thay đổi ra sao trong thời gian đến. Vì vậy, cần phải có quy định về hạn mức tối đa để vừa đảm bảo mục tiêu thu hút nhân lực thành phố, vừa đảm bảo cân đối ngân sách theo quy định. Do vậy, Sở xin đề xuất tổng hạn mức vay cho toàn bộ chương trình đào tạo tối đa không quá 180 triệu đồng/ người….
Sau khi đào tạo, cá nhân cam kết làm việc với thời gian tối thiểu gấp đôi thời gian tham gia bồi dưỡng.
Theo ông Lê Văn Dũng, tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Hải Châu, trước đây TP Đà Nẵng thực hiện đào tạo theo Đề án 922, quy định cán bộ về phục vụ TP Đà Nẵng tối thiểu 5 năm. Nếu không phục vụ thì đối tượng phải đền hợp đồng.
“Đào tạo ở nước ngoài 6 tháng thì sau khi đào tạo yêu cầu về địa phương phục vụ 1 năm thì “không ăn thua”, giống như đi thử việc rồi họ chuyển nơi khác và làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài dù phải đền hợp đồng, dẫn đến tình trạng “chảy máu” chất xám. Vì vậy tôi đề nghị nâng số năm phục vụ cũng như quy định mức đền bù nhiều hơn để người học xác định tư tưởng phục vụ địa phương”, ông Dũng nhìn nhận.
Còn ông Thái Văn Tịnh, tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Ngũ Hành Sơn dẫn chứng, khi nghe TP Đà Nẵng tài trợ 100% số tiền để đi học thì người đăng ký nhiều, tuy nhiên sẽ có lạm dụng chính sách làm uổng phí thời gian, nhân sự đào tạo nếu không có chế tài lớn. Mặt khác, chính sách cần có sự khuyến khích, cam kết làm việc từ bao nhiêu năm trở lên sẽ khen thưởng… bởi đây là ngành đột phá của TP Đà Nẵng.
Trong khi đó, ông Lê Văn Nguyện, tổ đại biểu HĐND thành phố đơn vị quận Sơn Trà, khi tạo lập chính sách mới thì khó mà thỏa mãn hết khi đặt ra rào cản, chế tài. Đề án 922 qua 15 năm thay đổi liên tục đến nay còn khó khăn vướng mắc. Có nhiều trường hợp muốn cùng chính quyền TP Đà Nẵng theo đuổi mục tiêu ban đầu nhưng thực tế cuộc sống có nhiều nguyên nhân bất khả kháng.
“Nghị quyết là sự thúc đẩy của chúng ta đối với lĩnh vực mới, là bệ đỡ của chính quyền đối với khu vực tư nhân chứ không như đối tượng cán bộ, công chức – đối tượng chính quyền Đà Nẵng quản lý trực tiếp. Bên cạnh đó, họ là giảng viên, nhân viên của doanh nghiệp vi mạch bán dẫn... chịu sự ràng buộc cam kết chính sách các bên mà chúng ta tạo lập. Chúng ta chấp nhận ở mức độ tương đối”, ông Nguyện nói.
Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho rằng nghị quyết mang tính chất thu hút, động viên là chính. Vì vậy, thống nhất chủ trương, còn chi tiết về định mức, thời gian giao lại cho UBND TP Đà Nẵng căn cứ chức năng, quyền hạn quy định phù hợp và có trách nhiệm báo cáo HĐND TP Đà Nẵng định kỳ.