Đà Nẵng linh hoạt chính sách an dân khi giãn dân khu vực hẹp, đông người
SGGPO
Liên tiếp xuất hiện những ca nhiễm Covid-19 trong các hẻm nhỏ, ngoài việc tăng cường giám sát bằng camera, flycam, TP Đà Nẵng đã thực hiện việc di dời để giãn dân tại các “điểm nóng”. Các hoạt động an dân giờ đây mang những sắc thái mới, dù vậy phải “phấn đấu không để ai lùi lại phía sau” vẫn là nguyên tắc bất di bất dịch.
Người dân đồng thuận cao
Tại tổ dân phố 50 phường Thanh Bình (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), hầu hết người dân đang sống trong các hẻm nhỏ dưới 2m, nhà ở sát nhau, diện tích chật hẹp, không đảm bảo khoảng cách an toàn trong phòng chống dịch.
Ngay khi liên tiếp nhận được số ca mắc Covid-19 ở những khu hẻm, địa phương đã tiến hành vận động, di dời một phần số nhân khẩu trong tổ đến nơi cách ly tập trung khác, giãn dân trong khu vực nguy cơ rất cao. Giải pháp này cũng nhận được sự đồng thuận từ người dân.
Không khí vắng lặng, các khu vực lối đi tại các hẻm đều vắng bóng người qua lại
Theo chị Phạm Thị Thùy Vân (24 tuổi, người dân kiệt 72/hẻm 29 /26 Đinh Tiên Hoàng), gia đình khá đồng tình về chủ trương di dời để đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc đến mức có thể. Chị hy vọng, chính quyền có thể thông tin trước về nơi ở cách ly sắp đến, các dụng cụ đã có sẵn để thuận tiện chuẩn bị khi di dời.
“Tuy hơi bất tiện nhưng mình thấy quyết định này phù hợp với tình hình thực tế. Do việc di dời trong thời gian ngắn nên việc chuẩn bị khá vội vàng, có một số lo lắng về ăn uống, ngủ nghỉ”, chị Vân chia sẻ.
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân sắp xếp tư trang trước khi lên xe
Cách nhà chị Vân không xa, anh Phan Thanh Tuấn (trú kiệt 72 Đinh Tiên Hoàng) đang tất bật chuẩn bị những hành lý cần thiết cho chuyến “di dân” đặc biệt này. Mấy ngày này, liên tiếp có ca mắc Covid-19 ở khu hẻm gần đó, gia đình anh cũng lo lắm.
“Khi được đề nghị di dời, gia đình chúng tôi vừa mừng lắm cũng vừa lo. Mừng vì có thể ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy vậy, giai đoạn giãn cách, tôi thật sự lo chi phí ăn ở tại khu tập trung vì mình không dự trữ thực phẩm mà kinh tế cũng hạn hẹp dần sau 20 ngày”, anh Tuấn nói.
Tổ chức đi ra ngoài theo từng nhóm nhỏ, hết hộ gia đình này mới đến hộ gia đình khác
Theo ông Võ Duy Lâm, Chủ tịch UBND phường Thanh Bình (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), trong các hẻm này, có những đoạn chỉ có 2,5m, nhà chỉ có 30m², nhân khẩu đông nên việc ở tại chỗ rất nguy hiểm. Với 73 hộ gần 230 nhân khẩu, địa phương đã tổ chức di chuyển 22 hộ, 58 nhân khẩu trong đó có 10 trẻ em dưới 14 tuổi thuộc tổ dân phố 50 đến lưu trú tại Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu). Đối với hộ có người già, đau ốm, chính quyền cho phép ở nguyên trong nhà, yêu cầu thực hiện đúng 5K, được phường cử người quan tâm chăm sóc. Tại tổ 50 vẫn sẽ còn khoảng 2/3 nhân khẩu thực hiện cách ly tại chỗ.
“Lực lượng khẩn trương phun khử khuẩn các hẻm, tăng cường tuần tra, tránh để mất mát tài sản của người dân; giám sát việc chấp hành biện pháp phòng, chống dịch đối với những người được ở lại”, ông Lâm cho hay.
Hỗ trợ 80.000 đồng cho người dân chấp thuận giãn dân
Theo ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, phường Thanh Bình (quận Hải Châu) và phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) tiếp giáp nhau. Hiện phường Tam Thuận là điểm nóng về dịch bệnh Covid-19 nên việc giãn dân ở kiệt 72 Nguyễn Tất Thành thuộc phường Thanh Bình là cần thiết.
Tổ 50 phường Thanh Bình là vùng nguy cơ rất cao tiếp giáp với phường Tam Thuận
“Theo kế hoạch giãn dân mà phường triển khai thì khu vực này sẽ giảm được khoảng 30% người dân. Chúng tôi đã thiết lập khu cách ly mới tại Trường THPT Trần Phú hoàn toàn để cách ly người dân chứ không phải cách ly các F1, dự kiến được khoảng 30 phòng. Với những nhà đông người hơn thì sẽ được bố trí 2 phòng. Thời gian đến, các kiệt hẽm trên địa bàn quận Hải Châu có nguy cơ tương tự thì chúng tôi sẽ tiếp tục”, ông Thạnh cho biết.
Khu cách ly tập trung tại Trường THPT Trần Phú dự kiến khoảng 30 phòng
Bên cạnh công tác di dân, việc đảm bảo đời sống, sinh hoạt của người dân cũng được địa phương chú trọng. Hiện người dân tại các khu phong tỏa này không phải là F1 nên khi đưa vào những khu cách ly tập trung thì không có quyền lợi được hỗ trợ 80.000 đồng. Vì vậy, đồng ý với quan điểm của Võ Duy Lâm, Chủ tịch UBND phường Thanh Bình cũng kiến nghị TP Đà Nẵng xem xét hỗ trợ như các đối tượng là F1 để công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành di dời sẽ thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá cao địa phương đã sâu sát, kịp thời vận động, tạo tâm lý ổn định để người dân yên tâm di dời phòng tránh dịch. Ông Quảng cho rằng, các địa phương cần trao đổi, chia sẻ thông tin khi phát hiện những trường hợp F0 sinh sống ở khu vực khác. Không được có sự tách bạch địa giới trong việc phòng, chống dịch. Phường Tam Thuận đã chủ động có biện pháp giãn dân để giảm nguy cơ lây nhiễm thì phường Thanh Bình nhanh chóng lên phương án hợp lý, tiến hành nhanh gọn và đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kiểm tra tình hình dân cư tại khu vực tổ 50 phường Thanh Bình
Ông Quảng thống nhất với các đề xuất của địa phương và yêu cầu chính quyền địa phương, cơ sở tiếp tục quan tâm đến việc ăn uống, sinh hoạt của bà con vừa được đưa đến ở tạm tại nơi cách ly. Theo đó, Văn phòng Thành ủy sẽ sớm có thông báo kết luận triển khai các chủ trương này, nhất là về chính sách hỗ trợ người dân thực hiện giãn dân phòng, chống dịch.
“Mặc dù dân thì chưa phải là những F1 tuy nhiên họ ở những vị trí có nguy cơ tiếp xúc, hoàn toàn có cơ sở để xác định họ là F liên quan. Đối với họ, về mặt chế độ chính sách chúng ta áp dụng như là khi áp dụng ở khu cách ly tập trung. Các điều kiện quản lý cũng phải thực hiện như thế. Đây là một yêu cầu, biện pháp mới thì chúng ta phải có chính sách mới chứ chúng ta không cứng nhắc trong việc này, có vậy thì người dân mới an tâm thực hiện chủ trương của chúng ta”, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng cho biết.