Cần xác định mục tiêu ngắn hạn, dài hạn
Dự thảo đề án gồm 3 phần: phần tổng quan bối cảnh xây dựng đề án, phần nội dung về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phần tổ chức thực hiện.
Trong phần nội dung có 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Đà Nẵng vạch ra để gặt hái thành công trên lĩnh vực này. Cụ thể như, giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù; phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; phát triển và tiến tới làm chủ công nghệ vi mạch, bán dẫn; sở hữu trí tuệ; thu hút đầu tư; truyền thông và giải pháp về hỗ trợ triển khai.
Tại tọa đàm, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, Đà Nẵng cần xác định rất rõ mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và biện pháp khả thi gắn với từng giai đoạn. Mỗi công đoạn có yêu cầu, đặc điểm riêng.
Khâu thiết kế chú trọng nhất vào nguồn lực con người, vậy nên đi kèm với mục tiêu về phát triển năng lực thiết kế chip bán dẫn trên địa bàn thì tập trung những cơ chế chính sách dành cho con người. Cụ thể, chính sách dành cho đội ngũ chuyên gia, giảng viên, học viên, học sinh… Thực tế, những chính sách liên quan con người (thuế thu nhập cá nhân, visa, hỗ trợ tài chính...) gần như bằng không. Đề án phải nhận diện được bài toán đó.
Về khâu lắp ráp, cần hệ sinh thái thuận lợi, phù hợp với khâu lắp ráp kiểm thử, cơ chế hấp dẫn, quy mô với doanh nghiệp như Khu công nghệ cao Đà Nẵng... Tuy vậy, quy trình thủ tục đầu tư khá lâu và nhiều khâu. Cần tổ công tác đặc biệt tiếp nhận mọi yêu cầu của nhà đầu tư và được chỉ đạo bởi lãnh đạo cao nhất của địa phương nhằm rút ngắn quy trình.
Theo anh Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc kỹ thuật, Trưởng văn phòng tại Đà Nẵng, Công ty Synopsys (Mỹ) ở Việt Nam, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ở 2 nhóm chính là: nhóm kinh nghiệm trình độ cao; nhóm nhân lực mới.
Đối với nhóm kinh nghiệm trình độ cao, để thu hút đối tượng này, bản thân doanh nghiệp cần có những gói hay chương trình phúc lợi và lương cạnh tranh, hoặc đặc điểm khác biệt để thu hút nhân tài (như văn hóa, chiến lược kinh doanh, công nghệ đặc thù,..). Nếu chỉ tập trung vào nhân lực ở Đà Nẵng thì sẽ không đủ, nên cần thu hút từ các tỉnh, thành phố khác hoặc Việt kiều. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, TP Đà Nẵng cần xây dựng hạ tầng, có chính sách hỗ trợ.
Đối với nhóm nhân lực mới, việc các trường đại học cùng với thành phố chung tay xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao thôi chưa đủ mà cần có những yếu tố “đúng gu”, thu hút đông đảo số lượng sinh viên đăng ký tham gia học và ra trường chọn ngành liên quan.
Đại diện các trường đại học TP Đà Nẵng cũng đề nghị địa phương có quy chế về liên minh hợp tác giữa các trường trong đào tạo vi mạch bán dẫn cũng như chính sách hấp dẫn học sinh giỏi chọn ngành vi mạch bán dẫn như cho vay ưu đãi.
Đề án sẽ ban hành giữa năm 2024
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho biết, từ quý 4-2023 đến nay, TP Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng như tổ chức các chuyến công tác đến Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc) trong tháng 11-2023 và tháng 2-2024, làm việc với các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ về thiết kế vi mạch bán dẫn như: Synopsys, Nvidia, Marvell, Qualcomm, Intel…; thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo. Các đối tác đánh giá khả quan tiềm năng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo (AI) của TP Đà Nẵng.
Về hạ tầng, Khu Công viên phần mềm số 2 đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2024.
Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng đang đề xuất với Quốc hội các cơ chế hỗ trợ thu hút chuyên gia, người dạy, người học, chính sách về sử dụng cơ sở hạ tầng, ưu đãi về thuế trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Về phía doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, ông Hồ Kỳ Minh đề nghị các đơn vị tiếp tục đồng hành, phối hợp cung cấp các thông tin, số liệu thiết yếu để tạo cơ sở dữ liệu chuẩn, giúp công tác đánh giá thực trạng ngành và hoạch định tầm nhìn đúng trọng tâm; góp phần đẩy nhanh tiến trình địa phương tham gia vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn và công nghệ toàn cầu.
Dự kiến, Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn TP Đà nẵng" sẽ được UBND TP Đà Nẵng ban hành vào giữa năm 2024.