Ghi nhận vào sáng 7-2, tại chốt kiểm tra tại Quốc lộ 1A đoạn giáp với tỉnh Quảng Nam (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), có khoảng 10 người gồm các lực lượng công an, thanh tra giao thông, nhân viên y tế… Tại đây, lực lượng y tế đang tiến hành đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra dịch tễ với người và phương tiện ra, vào TP Đà Nẵng.
Đối với các phương tiện có biển số từ các tỉnh có dịch, lực lượng chức năng tại chốt Quốc lộ 1A đã kiểm tra 33 xe/130 hành khách. Khi được yêu cầu, người dân và chủ phương tiện đều chấp hành thực hiện các bước theo quy định một cách nhanh chóng, chưa xảy ra trường hợp không chấp hành hay có hành vi chống đối.
Sau khi khai báo y tế, ông Nguyễn Văn Đặng (59 tuổi, trú tỉnh Kiên Giang) cho biết, mặc dù đi từ tỉnh không có ca mắc Covid-19, tuy nhiên tôi vẫn chấp hành đầy đủ, khai báo y tế khi được yêu cầu trong quá trình di chuyển về quê nhà ở quận Hải Châu (TP Đà Nẵng).
“Điều này làm tôi cũng cảm thấy an tâm hơn vì nếu có phát hiện ca mắc hay trường hợp có tiếp xúc gần nào thì cũng có thể biết được mình có bị ảnh hưởng hay không. Việc khai báo y tế tại chốt cũng khá nhanh chóng, không làm mất nhiều thời gian”, ông Đặng chia sẻ.
Tương tự, tại chốt kiểm tra tại cuối đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã được lập từ 13 giờ ngày hôm qua (6-2) ngay khi có văn bản chỉ đạo của TP Đà Nẵng. Chốt được bố trí lều bạt, bàn ghế, khu vực vệ sinh, thay đồ bảo hộ, thùng rác có phân loại, điện, nước… nhằm phục vụ cho chốt hoạt động 24/24.
Tại ga đường sắt Đà Nẵng (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), lực lượng kiểm soát dịch chốt chặn tại cửa ra của ga. Đối với những người đi về Đà Nẵng, các lực lượng sẽ tiến hành sát khuẩn tay, đo thân nhiệt và khai báo y tế đối với tất cả mọi người. Lực lượng công an là người kiểm soát cuối cùng xác minh tính chính xác những thông tin trên tờ khai y tế kèm theo các giấy tờ tùy thân liên quan.
Sau một năm làm việc tại TPHCM, ông Lương Văn Thọ (45 tuổi) trở về quê nhà. Sau khi thực hiện kiểm tra và khai báo y tế, ông cũng cảm thấy an tâm khi về với gia đình.
“Làm việc nơi xa, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, tôi thật sự rất lo lắng nhưng khi bước chân đến ga Đà Nẵng, tôi đã yên tâm phần nào. Đây là chốt chặn đầu tiên khi tôi bước chân về TP Đà Nẵng, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất chính là ý thức của người dân về phòng chống dịch. Vì vậy, đến bất kỳ thành phố nào, tôi đều chấp hành việc khai báo y tế”, ông Thọ chia sẻ.
Theo Thiếu tá Lê Thanh Sơn, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng), khác với tuyến đường bộ, mỗi ca trực, lực lượng gồm 8 người sẽ kiểm soát dịch theo lịch tàu về ga. Năm nay, người dân đi về Đà Nẵng bằng đường sắt giảm nhiều so với những năm trước, họ chủ yếu đi bằng đường bộ. Đặc biệt, trong dịp tết, lực lượng vẫn làm việc 24/24 để đảm bảo người dân đón tết an toàn.
“Chốt chặn tại ga sẽ thực hiện khai báo y tế và kiểm tra địa phương nơi người dân xuất phát đi. Đối với những người về từ vùng dịch như Hải Dương, Quảng Ninh..., có hai phương án xử lý, cách ly tại nhà đối với những người có tiếp xúc với F1 trên 3 ngày và cách ly tập trung đối với những người có tiếp xúc với F1 trong vòng 3 ngày”, Thiếu tá Sơn cho hay.
Không chỉ luân phiên trực chống dịch Covid-19 tại chốt, các thành viên trong tổ công tác của chốt còn là những “tuyên truyền viên” thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân có ý thức phòng, chống dịch.
Thời khắc gần đến tết, người người nhanh chân về nhà, thế nhưng tổ công tác làm nhiệm vụ chốt chặn tại điểm chốt vẫn tập trung làm việc cao độ. Sau lưng họ là sự an toàn của TP Đà Nẵng, vì vậy yêu cầu kiểm soát người và phương tiện được đặt ra hết sức nghiêm ngặt.
Ngày 6-2, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng có quyết định thành lập 14 chốt kiểm soát dịch liên ngành tại các cửa ngõ ra, vào TP Đà Nẵng. Cụ thể, 14 chốt này gồm: Đường Tạ Quang Bửu (quận Liên Chiểu), đường Hoàng Văn Thái (gần bãi rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu); đường Nguyễn Tất Thành nối dài – đường dẫn hầm Hải Vân (huyện Hòa Vang); đường 14G (chân núi Thần Tài, huyện Hòa Vang); quốc lộ 14B (gần quán Dê 89, huyện Hòa Vang); quốc lộ 1A (ngã ba Tứ Câu, huyện Hòa Vang); tỉnh lộ 605 (đoạn lên núi Bồ Bồ, huyện Hòa Vang). Ngoài ra còn có: Quốc lộ 14B (bên cạnh Trạm CSGT Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang); Dự án tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay, đường Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn); điểm cuối đường Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn); bến xe Trung tâm TP (quận Cẩm Lệ); ga đường sắt Đà Nẵng (quận Thanh Khê); cảng Đà Nẵng (quận Sơn Trà) và ga gội địa – Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (quận Hải Châu). Nhân lực tại các chốt gồm nhân viên y tế, công an, bộ đội biên phòng, thanh tra Sở Giao thông Vận tải, phiên dịch viên, đoàn viên, thanh niên… Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt gồm: Công an TP Đà Nẵng làm Tổ trưởng có 4 người/ca trực; Sở Y tế 3 người/ca trực; Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng có 2 người/ca trực; Bộ đội Biên phòng có 2 người/ca trực; Phiên dịch viên có từ 1 đến 2 người (Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp Thành Đoàn Đà Nẵng sử dụng lực lượng của sở hoặc huy động đoàn viên, thanh niên trên địa bàn TP Đà Nẵng). Giao Sở Y tế chủ trì, bảo đảm các điều kiện về y tế, gồm trang phục bảo hộ, khẩu trang, dung dịch rửa tay sát khuẩn, găng tay y tế, máy đo thân nhiệt... phục vụ các lực lượng triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch. |
Đà Nẵng dừng bắn pháo hoa đêm giao thừa Chiều 7-2, Thành ủy Đà Nẵng vừa có thông tin về việc dừng hoạt động bắn pháo hoa chào mừng năm mới trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Theo đó, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên cả nước, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng thống nhất đề nghị Ban cán sự đảng UBND TP Đà Nẵng dừng hoạt động bắn pháo hoa chào mừng năm mới trong dịp Tết Nguyên đán 2021. Ông Hà Vỹ, Phó giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng cho biết, để phòng chống dịch bệnh nên hầu như những sự kiện tổ chức đông người đều sẽ dừng lại. Tuy nhiên, Sở sẽ phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức hoạt động, chương trình online, phát lại... nhằm tạo không khí vui tươi cho người dân đón tết trong năm mới. Các cấp, các ngành địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, công nhân không có điều kiện về quê, phải ở lại TP Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán 2021, đảm bảo mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón tết. Trước đó, UBND TP Đà Nẵng dự kiến tổ chức bắn pháo hoa chào đón giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tại ba khu vực gồm: Trên cầu Nguyễn Văn Trỗi giáp ranh giữa các quận Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn; khu phức hợp thương mại cao tầng đối diện Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu và Khu Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang. Thời gian bắn pháo hoa diễn ra 15 phút, bắt đầu từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 12-2-2021, tức giao thừa Tết Tân Sửu. |