Theo nội dung ký kết, Công ty Cổ phần Asiatrans Vietnam, Công ty Nextpay Vietnam, Công ty CP logistics cảng Đà Nẵng (Danalog) và Công ty Thành Vinh Holdings sẽ tham gia xây dựng chương trình đào tạo thực hành ngành Logistics, tiếp nhận thực tập cũng như ưu tiên tuyển dụng đối với sinh viên ngành Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế và Quản trị kinh doanh Đại học Đông Á. Lộ trình tiếp nhận từ năm 2023 với từ 15 sinh viên mỗi đơn vị mỗi năm.
“Đón đầu đào tạo với đội ngũ chuyên gia đầu ngành và hợp tác đào tạo, phát triển và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng được trang bị kiến thức và kỹ năng số hướng “đặt hàng” từ doanh nghiệp đối với 2 ngành Logistics & quản lý chuỗi cung ứng, Kinh doanh quốc tế ĐH Đông Á là một bước đi tích cực, sẽ rút ngắn bớt quá trình số hóa của các doanh nghiệp logistics, đồng thời có thể giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ chuyển dịch sang giai đoạn logistics 4.0 của doanh nghiệp logistics”, TS. Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng trường Đại học Đông Á cho biết.
Theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, đến tháng 4-2022, địa phương hiện có 1.056 doanh nghiệp tham gia cung ứng các hoạt động liên quan đến dịch vụ logistics. Trong đó, có 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp hoạt động tại TP Đà Nẵng. Đà Nẵng cũng đứng thứ 6 trong nhóm 10 tỉnh/thành phố tập trung nhiều doanh nghiệp logistics của cả nước (chỉ sau TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai). Lực lượng nhân lực tham gia logistics trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện chiếm khoảng 2,7% nguồn lao động logistics trên cả nước và khoảng 40% nguồn lao động logistics tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với khoảng 14.000 lao động năm 2022 (gấp 4 lần so với năm 2011).
“Quy mô doanh nghiệp và nguồn nhân lực luôn duy trì vị thế dẫn đầu trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã đưa TP Đà Nẵng trở thành trung tâm cung cấp nguồn nhân lực logistics sau đào tạo và là “cái nôi” phát triển của các doanh nghiệp logistics trong khu vực”, bà Phương cho hay.