Thị trường diễn biến phức tạp
Vừa qua, lực lượng Công an quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã phát hiện nhiều kiện hàng nghi là hàng lậu được vận chuyển qua Ga hóa vận thuộc ga Đà Nẵng. Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị phát hiện 150 thùng hạnh nhân, 18 thùng hạt dẻ cười và nhiều kiện hàng thiết bị vệ sinh, máy hút mùi. Tất cả đều có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài đồng thời chưa xác định được chủ sở hữu.
Thượng úy Phạm Thị Huế, Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết, giai đoạn cận tết và cận Noel, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng tăng cao. Các đối tượng sử dụng thủ đoạn tinh vi đối với các mặt hàng chủ yếu như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, vàng, rượu, thuốc lá…
Tương tự, gần đây, một phương tiện vận chuyển 187 kiện hàng từ Hà Nội vào TPHCM để tiêu thụ. Tuy nhiên, phương tiện này bị lực lượng chức năng phát hiện tại Km15 đường tránh Nam Hải Vân. Tại thời điểm kiểm tra, tất cả số hàng hóa gồm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, hàng điện tử đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Để tránh sự kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, các đối tượng đã chia nhỏ hoặc ngụy trang theo nhiều loại hàng hóa hợp pháp như hàng quà biếu, quà tặng và vận chuyển bằng các loại phương tiện, như: xe khách, xe tải hoặc thông qua các đơn vị chuyển phát nhanh và thương mại điện tử.
Theo Đại úy Ngô Ngọc Châu, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), phương thức sử dụng thường là không có hóa đơn chứng từ hoặc sử dụng hóa đơn chứng từ xoay vòng, mua bán trực tuyến cũng như phương thức vận chuyển tinh vi vào ban đêm và thay đổi liên tục tuyến đường để tránh sự tuần tra của cơ quan điều tra.
Đồng bộ nhiều biện pháp
Để góp phần kiểm soát hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, công tác kiểm soát được tăng cường, trong đó tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng, hàng điện tử. Đại úy Ngô Ngọc Châu cho biết thêm, lực lượng chức năng sử dụng đồng bộ rất nhiều các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với sở - ban - ngành như sở công thương, cục quản lý thị trường, phòng kinh tế… để chủ động xử lý. Với phương thức vận chuyển thay đổi liên tục, việc nắm và bám sát tình hình rất quan trọng khi kiểm tra.
Đồng thời, các đơn vị liên quan cũng triển khai kế hoạch đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, nhằm phát hiện các vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại. Đặc biệt, công tác kiểm soát tại các tuyến đường tránh, khu vực cửa ngõ ra vào thành phố cũng sẽ được chú trọng hơn.
Thiếu tá Đặng Ngọc Tài, Phó Trạm trưởng Trạm CSGT Hòa Hiệp (Công an TP Đà Nẵng) cho hay, công tác kiểm soát tại các tuyến đường tránh, khu vực cửa ngõ ra vào TP Đà Nẵng được chú trọng hơn.
“Chúng tôi cũng phối hợp với phòng Cảnh sát Kinh tế (công an TP Đà Nẵng) và phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an quận Liên chiểu) kiểm tra, rà soát các phương tiện ra vào TP Đà Nẵng để đảm bảo an toàn giao thông cũng như hàng hóa lưu thông được an toàn”, Thiếu tá Đặng Ngọc Tài nói.
Là lực lượng chủ công chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thị trường nội địa, ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng cho biết, bên cạnh việc theo dõi diễn biến, kiểm tra thị trường, từ ngày 15-11-2022 đến 15-02-2023, các đoàn kiểm tra trực thuộc các Đội Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh và người tiêu dùng về tác hại của hành vi buôn lậu, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại...
Bên cạnh đó, thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn. Phối hợp với ban quản lý các chợ, các trung tâm thương mại, siêu thị tại địa bàn các quận, huyện phát thanh trực tiếp và phát tờ rơi khuyến cáo đến các đối tượng kinh doanh và người tiêu dùng để tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… gây thiệt hại đến lợi ích người tiêu dùng.