Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng 150 trạm sạc cấp 1, 2 và 15 trạm sạc cấp 3. Đến năm 2030 xây dựng 250 trạm sạc cấp 1, 2 và 50 trạm sạc cấp 3. Trong đó, đối với trạm sạc cấp 1, 2 phổ biến hình thức người sử dụng tự trang bị tại nhà; các vị trí trạm sạc nhanh có thể tích hợp trụ sạc có thể phục vụ 3 cấp sạc cùng lúc.
UBND TP Đà Nẵng giao Sở Công thương tổ chức công bố Đề án nêu trên cùng cơ chế khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn thành phố. Tham mưu, đề xuất UBND TP Đà Nẵng trong việc ban hành các quy định, quy chế, chính sách khuyến khích phát triển ô tô điện, cơ sở hạ tầng trạm sạc trên địa bàn.
UBND TP Đà Nẵng giao Sở GTVT xây dựng lộ trình đổi xe buýt công cộng chạy bằng xăng, dầu sang sử dụng xe chạy bằng điện. Xem xét, có ý kiến về phương án kết nối hệ thống quản lý mạng lưới trạm sạc xe ô tô điện vào hệ thống giao thông thông minh của TP Đà Nẵng
Đồng thời, có ý kiến về các dự án đầu tư trạm sạc ô tô điện liên quan đến quy hoạch hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo tuân thủ hành lang an toàn giao thông đường bộ theo quy định.
Đề xuất áp dụng quy định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án sản xuất hoặc sử dụng công nghệ sạch, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để hỗ trợ sản xuất, vay vốn đầu tư cho các dự án xây dựng trạm sạc xe ô tô điện nếu thỏa mãn các điều kiện, tiêu chí hỗ trợ vay theo quy định.
Đối với các vị trí trụ sở công, kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP hoặc có chính sách khuyến khích hỗ trợ để thực hiện đầu tư trạm sạc xe ô tô điện tại các trụ sở công (trường học, bệnh viện) theo quy định pháp luật.
Để có nguồn nhân lực đáp ứng việc triển khai đề án, UBND TP Đà Nẵng đề nghị các đơn vị triển khai các chương trình giới thiệu về xe điện, trạm sạc, công nghệ sạc cho xe điện, cách thức vận hành cho cán bộ của thành phố. Xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp để quản lý, vận hành hệ thống giám sát trạm sạc.