Giảm lượng khí thải Cacbon và hiệu ứng nhà kính
Tại TP Đà Nẵng, thời gian qua, đã có một số trường học được lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời (NLMT) áp mái, như trường THPT Hoàng Hoa Thám, THCS Nguyễn Huệ, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, việc lắp đặt hệ thống điện NLMT mái nhà giúp nhà trường tiết kiệm đến 25% tổng nhu cầu sử dụng điện, làm giảm sức ép về nhu cầu điện lên lưới điện quốc gia, qua đó góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời giáo dục thế hệ học sinh ứng dụng về điện mặt trời.
“Đây là mô hình trải nghiệm thực tế giúp học sinh nghiên cứu và áp dụng các kiến thức về vật lí, công nghệ được học từ nhà trường; đồng thời thấy được việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến (vật liệu, linh kiện,…) để sản xuất được nguồn năng lượng sạch- bền vững- hạn chế phát thải CO2 để đối phó với biến đổi khí hậu”, thầy Ngọc Thụy nói.
Là một trong những hộ gia đình lắp đặt điện NLMT mái nhà, theo bà Mai Thị Ba (trú tại đường Lê Văn Hiến, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), việc lắp đặt giúp tiết kiệm hơn 60% nhu cầu sử dụng điện hàng tháng.
“Có thời điểm gia đình tôi sử dụng điện bậc 5 và bậc 6. Với hệ thống đã lắp đặt góp phần giảm lượng điện giá bậc cao, số sản lượng điện còn dư thừa từ hệ thống điện mặt trời tôi bán lại cho ngành điện. Việc lắp đặt cũng làm giảm nóng cho phần mái nhà, giảm điện năng sử dụng máy lạnh cho tầng áp mái quan trọng hơn đây là năng lượng sạch, thân thiện với môi trường”, bà Ba cho biết.
Theo bà Cescile Leroy, Quản lý chương trình, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, việc lắp đặt NLMT không chỉ giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp giảm nhiều chi phí tiền điện cho các hộ lắp đặt. Dự đoán đến 2030, 75% khí phát thải nhà kính ở Việt Nam sẽ xuất phát từ ngành năng lượng, do đó giảm tác động của ngành năng lượng rất quan trọng.
“Thực tế, các hộ gia đình, trường học được lắp đặt hệ thống điện NLMT đã tiết kiệm được chi phí rất lớn trên hóa đơn tiền điện.”, bà Ce'cile Leroy khẳng định.
Cần cơ chế phát triển cụ thể điện mặt trời mái nhà
Theo ông Lê Văn Phú, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng), đến hết tháng 9-2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà đạt 26,5 MWp, chỉ mới được hơn 2% tiềm năng kỹ thuật. Trong khi đó, khả năng đấu nối, giải tỏa công suất của PC Đà Nẵng lên tới 1.800 MWp. Hiện PC Đà Nẵng đang tiếp tục có kế hoạch nâng cấp hệ thống lưới điện để đến năm 2035, điện mặt trời mái nhà đáp ứng được 5,62% tổng điện thương phẩm trên toàn thành phố. Tiềm năng để các hộ gia đình, doanh nghiệp phát triển điện mặt trời mái nhà là rất lớn.
Nguyên nhân hạn chế là do cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy phảt triển điện mặt trời mái nhà của cấp có thẩm quyền còn nhiều hạn chế. Chi phí đầu tư hệ thống điện mặt trời còn cao, thời gian thu hồi vốn tương đối dài. Chưa có quy chuẩn, kỹ thuật chung , hướng dẫn về thiết bị, lắp đặt đấu nối và vận hành hệ thống điện mặt trời.
Theo ông Thái Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công thương Đà Nẵng, lộ trình phát triển điện NLMT giai đoạn 2025-2035 tại Đà Nẵng gồm 4 lĩnh vực: công nghiệp, dịch vụ thương mại, khu vực dân cư và khu vực công.
Theo đó, đối với khu vực công nghiệp, thương mại – dịch vụ, Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển điện NLMT tại các cơ sở sản xuất trong khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Đà Nẵng sẽ khuyến khích, ưu tiên phát triển tại các điểm nóng phát triển về du lịch nhất là các khu khách sạn du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà nhằm giảm tải nguồn điện lưới quốc gia.
Đối với khu vực công, thành phố thực hiện đề án cho thuê mái nhà tại trụ sở công để lắp đặt ĐMT theo hình thức đấu giá quyền khai thác tài sản công hoặc đầu tư công. Đối với khu vực dân cư, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hộ gia đình đầu tư lắp đặt ĐMT, hướng tới hình ảnh thành phố môi trường và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển ĐMT áp mái tại các khu đô thị sinh thái và tại các dự án bất động sản trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Thu, Quản lý dự án phát triển năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng cho biết, cần có cơ chế khuyến khích cụ thể về vốn đầu tư, cơ chế mua bán, đấu nối điện để người dân, doanh nghiệp mạnh dạn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Để thúc đẩy phát triển điện năng lượng mặt trời mái nhà, Chính phủ, Bộ Công Thương cần có cơ chế giá điện mang tính ổn định, có tính dài hạn hơn để người dân, doanh nghiệp yên tâm hơn khi đầu tư hệ thống. Bởi Đà Nẵng có tiềm năng lớn và phù hợp để phát triển NLMT ở cả thời điểm hiện tại và tương lai.