Đã nhiều ngày qua, gia đình bà Nguyễn Thị Bách (48 tuổi, trú tổ 9, phường Phước Mỹ) phải khốn khổ vì nước máy bị cúp. Những ngày trước đây nước yếu, gia đình bà phải mở sẵn vòi nước ở thùng chứa để đến khuya hứng nước chảy rỉ rả để có nước sử dụng. Thế nhưng, 15 ngày qua, nước máy không chảy được giọt nào. Vì thế, gia đình bà buộc phải mua 20 thùng nước loại 20 lít về nấu ăn cho gia đình và một quán ăn nhỏ. “Mấy năm nay rồi, năm nào đến mùa hè chúng tôi cũng không có nước máy để dùng. Dân chúng tôi sống khổ sở trong cảnh thiếu nước nhưng chẳng biết kêu ai” - bà Bách thở dài.
Chị Huỳnh Thị Kim Hà (29 tuổi, trú Tổ 9 phường Phước Mỹ) cho biết, trước đây khi khách sạn còn thưa, nước máy ở đây rất mạnh. Thế nhưng, kể từ khi khách sạn mọc lên dày đặc thì nước máy cũng tắc theo. “Mấy khách sạn lớn, họ đặt máy bơm trực tiếp nguồn nước máy lên bồn chứa nên nhà dân chung quanh không còn giọt nước nào để dùng. Người dân phải mua nước về nấu ăn, uống, còn tắm giặt thì phải dùng nước giếng nhiễm phèn” - chị Hà than thở.
Anh Nguyễn Xuân Lâm (31 tuổi, nhà số 76/11 Hà Bổng, phường Phước Mỹ) bức xúc. “Sống giữa đô thị loại 1 mà thiếu nước sạch để sinh hoạt, dân chúng tôi chẳng biết kêu ai. Từ khi khách sạn nơi đây mọc lên ngày càng nhiều thì dân chúng tôi không còn nước sạch để xài. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm chứ mới đầu mùa nắng đã không có nước dùng, đến khi cao điểm thì không biết dân sống ra sao khi không có nước sạch để dùng?”.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) thừa nhận tình trạng thiếu nước sạch tại khu vực Sơn Trà và cho biết: “Nhu cầu nước của khu vực Sơn Trà ngày càng tăng, trong khi công suất của các nhà máy nước trên địa bàn đã vượt 25% công suất. Trước đây, quy hoạch cấp nước tại khu vực Sơn Trà chỉ đủ để phục vụ nhà dân, trong khi đó gần đây khu vực này khách sạn tăng lên quá nhiều dẫn đến phá vỡ quy hoạch cấp nước. Trong khi đó, Nhà máy nước Sơn Trà và Nhà máy nước Hải Vân phải dừng hoạt động do nước suối bị cạn kiệt. Vì vậy, Dawaco đang cho nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay thêm 5% để phục vụ cho nhân dân. Bên cạnh đó, tại hai nhà máy này, Dawaco tăng công suất lọc và bơm tăng cường cả ngày lẫn đêm để đảm bảo nguồn cấp nước sinh hoạt. Riêng tại khu vực Sơn Trà, Dawaco đang triển khai lắp đường ống cấp nước loại lớn dọc theo đường Võ Nguyên Giáp để đấu nối nguồn nước từ đường Nguyễn Văn Thoại về phục vụ cho khu vực phường Phước Mỹ”.
Ông Nam cho biết thêm, hiện nay nhu cầu nước sinh hoạt cho toàn TP Đà Nẵng là 350.000m³/ngày đêm nhưng đến nay tổng công suất của 4 Nhà máy nước do Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng vận hành chỉ đáp ứng được 250.000m³/ngày đêm. Để đáp ứng khối lượng nước sinh hoạt hiện nay, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng phải vận hành vượt công suất thiết kế 25%. “Hiện nay, nhu cầu nước sinh hoạt là rất lớn, 350.000m³/ngày đêm, trong khi năng lực hiện tại của chúng tôi chỉ đáp ứng được khoảng 250.000m³/ngày đêm. Vì vậy, để giải quyết bài toán nguồn nước cho thành phố thì nhất thiết phải đầu tư xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên để lấy nguồn nước sông Cu Đê về phục vụ. Tuy nhiên, phương án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên vẫn đang chờ tính toán lựa chọn vốn vay ODA hay nguồn vốn trong nước” - ông Nam giải thích.
Ngày 6-6, tại buổi đối thoại “Hội đồng nhân dân với cử tri”, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay không chỉ quận Sơn Trà mà cả thành phố đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng. Đà Nẵng đang xúc tiến xây dựng nhà máy nước Hòa Trung, nhà máy nước Hòa Liên, nâng cấp nhà máy nước Cầu Đỏ… Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, thủ tục xúc tiến đầu tư dự án còn rất chậm. “Hồ Hòa Trung đến bây giờ đang còn trên giấy tờ. Nhà máy nước Hòa Liên không thực hiện với vốn vay ODA của Nhật nữa mà được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) tự làm, nhưng muốn làm được nhà máy nước này thì phải 3 - 4 năm nữa. Vậy từ nay đến 3 - 4 năm đó, nước ở đâu mà sinh hoạt? Đây là vấn đề hết sức nan giải!” - ông Nguyễn Xuân Anh lo lắng.