Sáng nay 27-9, tại Đà Nẵng, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, Hiệp hội Sữa Việt Nam và Công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk tổ chức Ngày hội Sữa học đường cho trẻ em mầm non TP Đà Nẵng.
Đây là hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 20 năm ngày Sữa học đường thế giới.
Tham dự chương trình có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh tặng quà cho các em học sinh mầm con có hoàn cảnh khó khăn
Chương trình Sữa học đường thế giới đã được triển khai từ rất sớm tại hơn 30 quốc gia như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh…và đến năm 2000, Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) đã chính thức chọn ngày thứ 4 cuối cùng của tháng 9 hàng năm là ngày Sữa học đường thế giới.
Ngày nay, Sữa học đường đã trở thành sự kiện thường niên được tổ chức tại nhiều quốc gia nhằm tôn vinh lợi ích thiết thực về sức khỏe, dinh dưỡng mà chương trình đem lại cho lứa tuổi học đường.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho các em học sinh mầm non có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Đà Nẵng
Không dừng ở việc cải thiện phát triển chiều cao, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở lứa tuổi học đường, chương trình Sữa học đường còn góp phần giáo dục trẻ em hình thành thói quen uống sữa hàng ngày và hiểu rõ lợi ích dinh dưỡng của khẩu phần ăn đối với cơ thể.
Tại châu Á, Nhật Bản thực hiện chương trình ngay sau thế chiến thứ 2 và được xem là hình mẫu thần kỳ với kết quả đáng kinh ngạc: chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật từ mức 1,5m, thấp gần nhất châu Á, lên mức 1,72m như ngày nay.
Ngoài ra, theo báo cáo năm 2007 tại Nhật Bản, thông qua chương trình Sữa học đường, 7,08 triệu trẻ em trong 99,2% trường Tiểu học và 2,9 triệu học sinh trong 85,8% trường THCS đã có bữa trưa hoàn chỉnh.
Thái Lan cũng đã triển khai chương trình Sữa học đường thành công từ năm 1992 cho trẻ từ 3 đến 12 tuổi, nâng sản lượng sữa tiêu thụ hàng năm trên đầu người từ 2 đến 31 lít trong giai đoạn 1988-2011, giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi từ 51% năm 1980 xuống dưới 10% năm 2006 và đến năm 2010 thì chiều cao tăng thêm 5cm/năm.
Ban Tổ chức tặng giải Nhất cuộc thi làm đồ chơi từ vỏ hộp sữa cho 8 trường mầm non trên địa bàn TP Đà Nẵng
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg vào ngày 8-7-2016 phê duyệt chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Theo tạp chí Y khoa Lancet, Việt Nam thuộc các nước đang phát triển còn đang đối mặt với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển thể chất và trí tuệ trẻ em.
Do đó, chương trình Sữa học đường chính là lời giải cho bài toán khó về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam và là một giải pháp tối ưu để bổ trợ cho bữa ăn học đường.
Các em học sinh mầm non xem mô hình đồ chơi làm từ vỏ hộp sữa
TP Đà Nẵng là địa phương đầu tiên ở miền Trung và là 1 trong 5 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai sớm nhất chương trình Sữa học đường.
Đề án Sữa học đường giai đoạn đầu (2016-2017) từng được thực hiện tại 5 quận, huyện – nơi có trẻ em khó khăn ở tất cả các loại hình cơ sở giáo dục mầm non.
Cho đến năm học 2018-2019, quy mô chương trình được mở rộng ra phạm vi toàn thành phố với sự tham gia của 330 trường học, cơ sở giáo dục với số lượng trẻ tham gia uống sữa hơn 47.000 em.
Mô hình đồ chơi làm từ vỏ hộp sữa của Trường mầm non Hướng Dương (quận Cẩm Lệ) đoạt giải Nhất
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, chương trình Sữa học đường trên thế giới là một chương trình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện và tăng cường thể trạng của trẻ em. Chính vì vậy, tại các nước đã triển khai, chương trình luôn đạt được sự đồng thuận và ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ, các ban ngành liên quan và các bậc phụ huynh.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong Hiệp hội Sữa, trong đó có Vinamilk đã và đang phối hợp hiệu quả với các địa phương nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em…
Mô hình đồ chơi làm từ vỏ hộp sữa
Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Chương trình sữa học đường không chỉ có ý nghĩa nhân văn và ý nghĩa xã hội to lớn đối với sự phát triển của trẻ em, đặt nền tảng cho việc học tập và trưởng thành của trẻ ở các cấp học tiếp theo. Đảm bảo dinh dưỡng hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ người Việt Nam và nâng cao chất lượng cuộc sống; trẻ em sẽ không phát triển trí tuệ toàn diện nếu không được cung cấp thực phẩm dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ. Việc đầu tư cho trẻ em hôm nay để có một thế hệ phát triển mạnh về thể chất và trí tuệ đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong tương lai là một việc làm mang ý nghĩa hết sức quan trọng.
Để triển khai Quyết định số 1340 ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, TP Đà Nẵng đã thực hiện thí điểm chương trình Sữa học đường trong 2 năm (2016-2017) ở địa bàn 5 quận, huyện. Theo đó, 100% trẻ trong các loại hình giáo dục mầm non được uống sữa miễn phí từ ngân sách thành phố hỗ trợ (3 lần/tuần và trong thời gian 9 tháng học).
Năm 2018 thành phố triển khai rộng rãi chương trình “Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TP Đà Nẵng” ở các loại hình cơ sở giáo dục mầm non, Trung tâm Bảo trợ xã hội và Trung tâm Hỗ trợ khuyết tật.
Đây là việc làm nhân văn và thiết thực trong việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, phù hợp với ưu tiên toàn cầu của Unicef “Chăm sóc trẻ thơ vì sự sống còn, tăng trưởng và phát triển…”. Hoạt động Sữa học đường là việc làm cụ thể hóa việc thực hiện các chiến lược về dinh dưỡng và phát triển tầm vóc của người Việt Nam.
Sau thời gian thực hiện Đề án Sữa học đường, kết hợp với chế độ dinh dưỡng của các cơ sở giáo dục mầm non, của gia đình, đa số trẻ được cải thiện về thể lực và trí tuệ; trẻ khỏe mạnh, thông minh, nhanh nhẹn và tập trung chú ý hơn trong các hoạt động. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ thấp còi giảm đáng kể còn 0,04%, sở đã xóa dần được tỷ lệ thấp còi và suy dinh dưỡng.
Đề án Sữa học đường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ xã hội và tạo tâm thế phấn khởi cho phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn.
“TP Đà Nẵng ghi nhận những kết quả tích cực của Đề án Sữa học đường mang lại. Để chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 tiếp tục phát huy hiệu quả rất cần sự quyết tâm, đồng lòng của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương của thành phố, các quận huyện, các đơn vị nhà trường và sự ủng hộ mạnh mẽ của cha mẹ học sinh. Tôi đề nghị Ban chỉ đạo Sữa học đường các cấp cần đề cao việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các đơn vị tổ chức cho trẻ uống sữa khoa học, hợp lý; từ đó có những đánh giá cụ thể hơn để có thể tiếp tục triển khai ở những năm học tiếp theo”, ông Lê Trung Chinh cho biết.
Tại chương trình Ngày hội Sữa học đường, TP Đà Nẵng và Ban Tổ chức đã trao giải thưởng và trưng bày 24 mô hình đồ chơi làm từ vỏ hộp sữa của 24 trường mầm non và cơ sở giáo dục trên địa bàn TP Đà Nẵng. Tại chương trình, các em học sinh còn được các bác sĩ thuộc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng Vinamilk thăm khám và tư vấn dinh dưỡng, tham gia các sân chơi sáng tạo được thiết kế riêng cho các em lứa tuổi mầm non.