Đà Nẵng hướng đến mô hình thư viện điện tử

Tại TP Đà Nẵng, Đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn giai đoạn 2017-2020” đã góp phần phủ khắp thư viện đọc tại 7 quận, huyện và 15 phòng đọc sách cấp xã cùng nhiều hạ tầng công nghệ thông tin, nối mạng cho các thư viện quận, huyện để truy cập sử dụng chung thư viện điện tử từ thư viện Khoa học tổng hợp TP Đà Nẵng.

Hướng dẫn các em tiếp cận và sử dụng máy tính trên mô hình xe thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức”
Hướng dẫn các em tiếp cận và sử dụng máy tính trên mô hình xe thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức”

Từ năm 2017 đến nay, tất cả các thư viện quận, huyện đã liên thông dữ liệu sách với thư viện TP Đà Nẵng, với tổng số hơn 354.833 bản sách giấy, 6.950 bản tài liệu băng đĩa và 7.462 bản sách điện tử, 500.000 tài liệu số…

Qua đó, trung bình mỗi người dân Đà Nẵng có được khoảng 0,76 bản sách, 45% dân số toàn TP Đà Nẵng sử dụng các dịch vụ của thư viện công cộng.

Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm, hệ thống thư viện công cộng của TP Đà Nẵng được bổ sung hơn 17.600 bản sách giấy, gần 1.200 bản sách điện tử và nhiều tạp chí khác, giúp gần 8.700 lượt người mượn đọc, góp phần nâng cao văn hóa, chất lượng đọc trong cộng đồng.

Không gian chia sẻ S.hub tại thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng
Thư viện đã hoàn thành số hoá nguồn tài liệu địa chỉ, tài liệu quý hiếm các công trình nghiên cứu khoa học tại chỗ với tổng số 2.315 tài liệu.
Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thư viện điện tử sẽ góp phần hỗ trợ bạn đọc tiếp cận nguồn sách, hoặc nguồn tài liệu phong phú. Đối với tuyến quận huyện, thư viện điện tử sẽ góp phần gia tăng lượng bạn đọc tại mỗi địa phương. Một trong những điểm ưu việt của thư viện điện tử là tính kết nối, vì vậy người quản lý, điều hành cũng dễ dàng nắm được thông tin nguồn tài liệu mà bạn đọc tìm kiếm nhiều nhất, để từ đó có hướng bổ sung, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. 

“Chúng tôi tiếp tục nâng cấp phần mềm thư viện ilib 6.5 lên ilibweb đặt tại thư viện Khoa học tổng hợp để thực hiện kết nối hệ thống trên địa bàn; duy trì phục vụ không gian chia sẻ S.HUB, tuyên truyền sách mới, đưa phòng S.HUB vào hoạt động với mô hình thân thiện, lịch sự, thu hút ngày càng đông bạn đọc đến tham gia”, ông Thái cho biết.

Mọi người sử dụng thiết bị ipad kết nối với máy chủ trên xe lưu động để tham gia trò chơi 

Tại thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, người dân, nhất là các em học sinh, sinh viên thường dành 1 - 2 tiếng đọc sách điện tử tại thư viện. So với hình thức đọc sách giấy trước đây, các em phải tìm từng đầu sách trên kệ, lật từng trang để bổ sung kiến thức thì nay với kho học liệu mở, học sinh có thể dễ dàng tra cứu, tìm đọc nhanh các đầu sách với nhiều hình ảnh trực quan, sinh động.

Để phát triển thành thư viện thông minh có tính kết nối từ trung ương đến cơ sở quận huyện, theo bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng, xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên số để đáp ứng nhu cầu đọc và theo kịp xu hướng của thời đại là giải pháp then chốt cho sự phát triển của các thư viện trong bối cảnh hiện nay. Giải pháp này đã được kiểm nghiệm hiệu quả từ chính thực tế hoạt động của Thư viện Khoa học tổng hợp TP Đà Nẵng khi mà các nguồn tài liệu số hóa đã đáp ứng đa dạng và nhanh nhất nhu cầu của các đối tượng độc giả, từ văn nghệ sĩ, giới nghiên cứu khoa học đến bạn đọc là nông dân, người lao động...

Triển khai nhiều hoạt động và trao giải nhằm khuyến khích các em học sinh tạo thói quen đọc sách

Tuy nhiên, ở cấp độ địa phương, không phải đơn vị nào cũng đáp ứng cơ sở hạ tầng, máy móc để tiếp nhận nguồn tài liệu số. Cơ sở vật chất, các thiết bị đầu cuối cũng như hạ tầng công nghệ ở các thư viện quận huyện chưa được quan tâm đầu tư, trang bị. Các thư viện quận, huyện vẫn chưa có đường truyền internet riêng để đảm bảo công tác liên thông (duy chỉ có thư viện quận Thanh Khê).

Tập trung đẩy mạnh phát triển thư viện điện tử cũng là chủ trương của TP Đà Nẵng khi thông qua Đề án phát triển hệ thống thư viện công cộng TP Đà Nẵng giai đoạn 2017- 2020.

Ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, việc xây dựng hệ thống thư viện công cộng giống như xương sống của hệ thống thư viện cả nước luôn là chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước trong quá trình hội nhập và phát triển. Vì vậy, ông đề xuất cần đầu tư hệ thống thư viện công cộng của TP Đà Nẵng về cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện.

Trang "Tài liệu số" của thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng
“Hệ thống thư viện công cộng ngày càng hoàn thiện hơn, xứng tầm với vai trò là một thiết chế văn hoá quan trọng, góp phần xây dựng đời sống văn hoá tinh thần và nhân cách con người đặc biệt là thế hệ trẻ”, ông Miên cho biết.

Tin cùng chuyên mục