Giữ vững thương hiệu riêng có
Nhiều năm qua, các chính sách an sinh mang đậm tính nhân văn được Đà Nẵng duy trì, nhất là những chính sách mang tính thương hiệu hướng đến mục tiêu bền vững của thành phố như: “5 không”, “3 có”, “4 an”... Các chính sách về giáo dục, y tế, nhà ở… được thực hiện đồng bộ.
Theo báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP Đà Nẵng năm 2023, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, lao động và an sinh xã hội tiếp tục được TP Đà Nẵng quan tâm đầu tư và chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện nhiều chính sách cụ thể để đảm bảo quyền lợi, đời sống cho người dân trên địa bàn.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 17-7-2023 về phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn. Trên cơ sở đó, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 13-9-2023 về việc triển khai Quyết định số 182/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ; giao nhiệm vụ cụ thể đến các cơ quan, đơn vị, địa phương làm cơ sở triển khai thực hiện.
UBND TP Đà Nẵng đã tập trung xây dựng các chính sách an sinh xã hội vượt trội so với chính sách khung của Trung ương, nâng mức hỗ trợ và mở rộng các đối tượng thụ hưởng thông qua các Nghị quyết do HĐND thành phố ban hành và nhiều chương trình, đề án, kế hoạch trên lĩnh vực an sinh xã hội.
Cụ thể như: nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, nâng mức xây mới sửa chữa nhà ở; mức hỗ trợ bảo hiểm y tế, giáo dục; mở rộng đối tượng thụ hưởng như người cao tuổi, người thuộc hộ cận nghèo; quy định đối tượng, mức quà tặng nhân các ngày kỷ niệm, tháng hành động hàng năm.
Đến nay, TP Đà Nẵng đã giải quyết việc làm cho hơn 36.500 lao động, đạt 104,3% kế hoạch; tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo đạt 53,7%. Công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế theo Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành trong quá trình triển khai mặc dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của thành phố, đến nay công tác này cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, không xảy ra điểm nóng. Tình hình tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kiềm chế, kiểm soát. Trật tự an toàn giao thông được duy trì, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài.
Công khai, tránh chồng chéo
Tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiều chính sách được trình sẽ góp phần đạt mục tiêu thực hiện tốt Chương trình an sinh xã hội của thành phố, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII.
Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình thông qua mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, trợ cấp xã hội hằng tháng cho các đối tượng như: người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi mà không có lương hưu; người mắc bệnh ung thư, suy thận mãn chạy thận nhân tạo có giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền mà không có lương hưu, tiền lương.
Hiện có trên 12.500 người cao tuổi, mỗi năm Đà Nẵng chi 60 tỷ đồng để hỗ trợ với mức 400.000 đồng/người/tháng. Trong đó, chi hơn 4 tỷ đồng cho 850 người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi mà không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội/ xã hội hàng tháng.
Tuy nhiên chính sách này mới tập trung cho nhóm từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sau khi thoát nghèo sẽ không được hưởng chính sách. Qua đánh giá, tuổi thọ trung bình của người dân Đà Nẵng là 76,1 tuổi; nếu để đủ 80 tuổi mới được hưởng trợ cấp của xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP thì nhiều người cao tuổi không có thu nhập có hoàn cảnh khó khăn, chưa được hưởng chính sách. Qua khảo sát, còn hơn 4.000 người không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng khác cần ổn định cuộc sống.
Tương tự, các địa phương có khoảng 1.250 người mắc bệnh hiểm nghèo không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội. Trong đó, có hơn 500 người mắc bệnh ung thư, suy thận mãn phải chạy thận nhân tạo….
Bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng cũng có tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ học nghề đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội, trong đó có người bán dâm.
Theo tờ trình, TP Đà Nẵng đề xuất duy trì chính sách hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/người/1 khóa học nghề. Đối tượng áp dụng gồm lao động là thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật, học sinh bỏ học; lao động là người hoạt động mại dâm hoàn lương. Ngoài ra, lao động trong các hộ bị thu hồi đất sản xuất sẽ được thành phố hỗ trợ đào tạo nghề tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học. Điều kiện để được áp dụng hỗ trợ là người lao động có hộ khẩu Đà Nẵng.
Dự kiến kinh phí hỗ trợ cho các nhóm lao động nêu trên mỗi năm bình quân 190 triệu đồng, từ nguồn ngân sách. Mỗi khóa đào tạo nghề kéo dài không quá 3 tháng. Người lao động được hỗ trợ một lần. Những người đã học nghề nhưng bị mất việc có thể xem xét hỗ trợ học nghề khác.
Chính sách hỗ trợ học nghề cho các nhóm lao động nói trên được UBND TP Đà Nẵng ban hành từ năm 2016 tại quyết định số 31. Đến năm 2022, thành phố đã bỏ ra 306 triệu đồng để hỗ trợ cho 147 người học nghề.
Việc hỗ trợ tiền học nghề cho lao động là thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; học sinh bỏ học; lao động là người hoạt động mại dâm; lao động trong các hộ thuộc diện di dời, giải tỏa, thu hồi đất sản xuất là chính sách đặc thù riêng của TP Đà Nẵng, Trung ương không quy định.
Tại phiên họp thẩm tra nội dung trình kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa X, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, TP Đà Nẵng ban hành rất nhiều nghị quyết riêng có mang tính đặc thù, đặc biệt là trong lĩnh vực an sinh xã hội, nguồn ngân sách của thành phố dành cho các chính sách này tương đối lớn. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện cần công khai minh bạch, rà soát kỹ các đối tượng được nhận hỗ trợ, bảo đảm kịp thời, thường xuyên, tránh chồng chéo, trùng lặp các đối tượng trong các chính sách an sinh, xã hội đã ban hành.