Đà Nẵng gỡ nút thắt logistics, thúc đẩy tăng trưởng

Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8-9% trong năm 2025, song nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn, đặc biệt sang thị trường Hoa Kỳ, đang đối mặt áp lực thuế suất, chi phí sản xuất và logistics tăng cao.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải và Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương chủ trì hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải và Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương chủ trì hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Sáng 18-4, Sở Công Thương TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics.

Kỳ vọng xuất khẩu tăng 8-9%

Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh vai trò then chốt của lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và cam kết địa phương sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức do biến động kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự thay đổi chính sách thuế quan ở các thị trường xuất khẩu. Hội nghị lần này nhằm tháo gỡ vướng mắc, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số của thành phố trong năm 2025.

Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, khó khăn của doanh nghiệp tập trung ở 7 nhóm vấn đề như thủ tục hành chính, khó tiếp cận vốn, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, biến động thị trường xuất khẩu, thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa, bất cập trong vận tải đường bộ và thay đổi thuế quan.

Để đạt mục tiêu năm 2025 với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11-12% và xuất khẩu tăng 8-9% so với năm 2024, sở đề ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm: phát triển sản xuất và mở rộng thị trường, phát triển logistics, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong đó, sở sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước, hình thành chuỗi sản xuất nội địa, tăng cường xúc tiến thương mại quốc tế và cập nhật kịp thời các thay đổi về thuế quan, rào cản thương mại.

DSC07606.JPG
Hội nghị đối thoại thu hút khoảng 200 đại biểu tham dự. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ở góc độ quốc gia, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu quý 1-2025 của Việt Nam đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6%. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, nhưng việc bị áp thuế cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh khiến nhiều mặt hàng chủ lực như thủy sản, nông sản, gỗ, dệt may, giày dép gặp khó khăn.

Việt Nam có thể phải đàm phán giảm thuế nhập khẩu để đề nghị Mỹ điều chỉnh thuế quan tương ứng nhằm duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.

Giảm chi phí đầu vào

Đà Nẵng hiện có hơn 70 doanh nghiệp xuất nhập khẩu với Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của thành phố, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024. Dù Mỹ đã tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày, nhiều doanh nghiệp vẫn bị đối tác yêu cầu hoãn sản xuất, giao hàng và tạm ngừng ký đơn hàng mới.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm nghiệp Đà Nẵng cho biết, mức thuế cơ sở 10% dù tạm hoãn thuế đối ứng vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 10 doanh nghiệp, khiến các nhà nhập khẩu Mỹ ép giảm giá bán. Trong khi biên lợi nhuận của các nhà máy tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế vốn rất thấp, việc buộc phải chia sẻ thêm gánh nặng thuế có thể đẩy doanh nghiệp vào nguy cơ thua lỗ.

Hiệp hội kiến nghị thành phố sớm có giải pháp hỗ trợ như giảm phí hạ tầng, tiền thuê đất tại các khu công nghiệp...

DSC07647.JPG
Bà Lê Thị Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước chia sẻ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ở lĩnh vực thủy sản, bà Lê Thị Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cảnh báo nguy cơ “cửa tử” xuất khẩu sang Mỹ khi thuế chồng thuế dự kiến gần 20%.

Doanh nghiệp lo ngại cánh cửa thị trường Mỹ sẽ đóng lại nếu không được hỗ trợ kịp thời, đồng thời đề xuất thành phố và Trung ương có chính sách giảm chi phí điện, phí vận chuyển nội địa (hiện đang cao hơn so với vận chuyển nước ngoài), bảo hiểm xã hội, công đoàn, siết chặt kiểm soát phí cảng và phí hãng tàu nhằm giảm áp lực chi phí sản xuất.

DSC07641.JPG
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng nêu vấn đề. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Cùng nỗi lo, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho rằng, xuất khẩu chiếm 65% doanh thu của đơn vị, và Hoa Kỳ là một trong những thị trường chính.

Dù doanh nghiệp đã chủ động mở rộng sang Nga, Nam Mỹ, EU để bù đắp sản lượng, nhưng chi phí logistics biến động mạnh, chiếm đến 5-15% giá trị đơn hàng, vẫn là gánh nặng lớn.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt đề xuất thành phố hỗ trợ phí logistics, xúc tiến xây dựng hãng tàu Việt Nam đủ mạnh, thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm nội địa, đồng thời có chính sách giá sàn đối với doanh nghiệp FDI để bảo vệ sản phẩm Việt Nam trước nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá.

Tin cùng chuyên mục