Những lợi thế và ưu đãi
Đến năm 2020, ngành ICT đóng góp 7,5% trong tỉ trọng GRDP của TP Đà Nẵng. Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng cho biết, từ thế mạnh về phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT then chốt, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước xác định Đà Nẵng là điểm đến đầu tư giàu tiềm năng. Địa phương cam kết nâng tỉ trọng này lên 10% năm 2025 và 15% năm 2030.
Cụ thể, TP Đà Nẵng có khu công viên phần mềm số 1 (2,4ha) và đang xây dựng Khu công viên phần mềm số 2 (5,3ha); khu FPT Complex (5,9ha), khu CNTT tập trung (131ha); khu CNTT số 2 tại huyện Hòa Vang với diện tích 56 ha.
Đồng thời, địa phương đang kêu gọi đầu tư vào Trung tâm Đổi mới sáng tạo Đà Nẵng (quận Cẩm Lệ, diện tích 17ha) xây dựng địa phương trở thành Trung tâm kỹ thuật số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó doanh nghiệp số địa phương phát triển (tăng 35%/năm), đạt 2,1 doanh nghiệp/1.000 người. Đặc biệt, các đơn vị triển khai một số hệ thống ứng dụng thông minh mang thương hiệu Đà Nẵng (Made in Đà Nẵng).
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban BQL Khu Công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) cho rằng, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi tại khu CNTT tập trung thuộc Khu CNC là một trong những yếu tố tạo động lực cho các nhà đầu tư quan tâm hơn tới khu vực vốn có tiềm năng này. Ngoài những ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu,... TP Đà Nẵng có những cơ chế vượt trội khi thực hiện các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường.
“Nỗ lực tháo gỡ trở ngại, chúng tôi củng cố năng lực cho các nhà đầu tư hiện hữu, qua đó tạo môi trường thông thoáng cũng như sự mời gọi các nhà đầu tư mới”, ông Sơn cho hay.
Có chiến lược bài bản
Trong 2 năm qua, dù Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội nhưng ngành ICT Đà Nẵng vẫn phát triển với tổng doanh thu vượt ngưỡng 1,3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt gần 90 triệu USD.
Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, với định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số tiếp tục là lĩnh vực mũi nhọn được chú trọng phát triển. Để thực hiện mục tiêu này, TP Đà Nẵng chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường sống - làm việc và tập trung thu hút đầu tư vào 3 nội dung gồm: đầu tư hạ tầng, đầu tư vào dữ liệu và ứng dụng thông minh.
Trước những khó khăn do dịch bệnh, địa phương đề ra các giải pháp cần triển khai để khơi thông nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trong nước như: ban hành kế hoạch phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính trong việc giải quyết thủ tục đầu tư và chuyển đổi số.
Đặc biệt, triển khai các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, tăng cường chỉ đạo công tác hỗ trợ nhà đầu tư mới và các nhà đầu tư tại chỗ; định kỳ tổ chức họp rà soát các vướng mắc của các dự án đang xúc tiến kết hợp tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc liên quan đến đất đai để tạo thuận lợi cho việc tái khởi động các dự án trọng điểm.
Đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng, TP Đà Nẵng khẩn trương xây dựng, trình tham mưu các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh doanh, thúc đẩy đầu tư toàn xã hội, trong đó có hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài 6 nhóm chính sách chính, gồm: miễn, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp sản xuất; hỗ trợ chi phí xét nghiệm, xây dựng kế hoạch tiêm mũi 3 cho người lao động; miễn, giảm phí hạ tầng cho các doanh nghiệp sản xuất trong KCN; giãn tiến độ triển khai dự án do ảnh hưởng dịch bệnh; khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại các Khu CNC và KCN.