Đà Nẵng: Giáo viên nghỉ việc nhiều hơn bác sĩ nghỉ việc

Ngày 13-12, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Đà Nẵng nhìn nhận, số lượng cán bộ, giáo viên nghỉ việc, thôi việc, nhiều hơn cả số lượng y, bác sĩ nghỉ việc.

Học sinh tăng nhưng trường chưa biết bao giờ xây
Học sinh tăng nhưng trường chưa biết bao giờ xây

Theo đó, việc triển khai thực hiện đề án "Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP Đà Nẵng" gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, quỹ đất. Trong đó, một số trường hiện đã xuống cấp chưa được đầu tư, sửa chữa, không đạt được mục tiêu ban đầu của đề án là phát triển trường mới để giảm tải cho các cơ sở giáo dục. Việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn, nhất là việc sĩ số học sinh/lớp vượt quy định, thiếu phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học.

Hiện còn một số quận cho học sinh tiểu học nghỉ học chiều thứ 6 gây khó khăn cho hoạt động đưa, đón của phụ huynh học sinh. Nhiều trường còn có điểm trường lẻ nên khó khăn trong việc tổ chức dạy, học, đặc biệt là ngoại ngữ và tin học.

Ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Trưởng ban Văn hóa- xã hội HĐND TP Đà Nẵng phát biểu

Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện "trường học tự chủ" gặp nhiều khó khăn. Năng lực tự chủ của các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập vẫn còn một số hạn chế nhất định và việc thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục của thành phố chưa được thực hiện kịp thời.

Đặc biệt, theo ông Vân, hiện nay công tác tuyển dụng giáo viên của TP Đà Nẵng không đủ số lượng theo yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Đáng báo động, hiện thành phố xuất hiện tình trạng cán bộ, giáo viên nghỉ việc, thôi việc, gây khó khăn cho hoạt động dạy và học. Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng cho thấy, từ tháng 1-2021 đến tháng 6-2022 có 232 cán bộ, giáo viên nghỉ việc, thôi việc, nhiều hơn cả số lượng y, bác sĩ nghỉ việc.

Trước đó, ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng cho biết, việc thiếu trường học tại quận Liên Chiểu và Hòa Vang rất đáng lo ngại. Năm 2022, việc tuyển sinh lớp 10 với số lượng học sinh dự thi rất lớn tạo áp lực cho các địa phương thiếu trường lớp. Cử tri lo lắng số lượng hơn 4.000 học sinh không đỗ vào trường THPT công lập sẽ đi về đâu, nhất là 4 xã phía Tây Bắc huyện Hòa Vang, bởi trường THPT Phạm Phú Thứ thuộc khu vực này hiện đang quá tải. Bên cạnh đó, việc thiếu trường khu vực quận Liên Chiểu cũng được cử tri phản ánh rất nhiều, như phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) có dân số khá đông, con em trong độ tuổi đi học rất lớn nhưng các trường học trên địa bàn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng phát biểu

Ngoài ra, việc tổ chức dạy bán trú giữa các trường trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập, không thống nhất giữa các trường, ảnh hưởng thời gian đưa đón con của phụ huynh, nhất là những phụ huynh là công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp.

Trước yêu cầu tinh giảm biên chế công chức, viên chức theo lộ trình của Trung ương, cử tri TP Đà Nẵng đề nghị các cấp cần quan tâm đến việc bố trí quỹ đất để kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng trường học, các trung tâm đào tạo nghề hoặc giáo dục thường xuyên, giúp các em tiếp tục theo học cơ sở gần nhà được thuận lợi, giảm tải áp lực cho địa phương.

Song song đó, đề nghị UBND TP Đà Nẵng có chính sách hợp lý, tăng chỉ tiêu đào tạo, bổ sung nhân lực giáo viên bậc tiểu học; quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ giáo viên có chuyên môn tâm lý học, xã hội học để hỗ trợ, giảng dạy, tư vấn cho học sinh cá biệt, từng bước đáp ứng yêu cầu dạy và học cho con em các địa phương.

Tin cùng chuyên mục