Xác định là một thành phố phát triển mạnh mẽ về du lịch, tuy nhiên, hiện Đà Nẵng chỉ phát triển du lịch ban ngày, các hoạt động du lịch ban đêm vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.
Sáng 10-7, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Sun World, Hãng hàng không Vietnam Airlines tổ chức Tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm”.
Tọa đàm ghi nhận những ý kiến góp ý, trao đổi thiết thực và hữu ích giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng với khách mời tham dự như các travel blogger trẻ, doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng...
Tại Đà Nẵng, những dịch vụ hoạt động về kinh tế đêm như vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực và tham quan về đêm cũng đã cơ bản hình thành và bắt đầu đa dạng.
Cụ thể như, các hoạt động vui chơi giải trí tại Công viên châu Á, Bà Nà Hills, các quán bar ban đêm như Sky Bar và một số nơi dọc trên các đường ven biển Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp. Bên cạnh đó, các show diễn, dịch vụ vui chơi giải trí có thưởng tại 3 điểm gồm: Furama, Ground Plaza, khách sạn One Opera phục vụ cho người nước ngoài, hoạt động 24/24.
Các dịch vụ ẩm thực cơ bản hình thành trên 1 số tuyến đường như tuyến 2/9, Bạch Đằng nối dài, khu vực ven biển đường Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp và một số tuyến phố đêm cũng như phố chuyên kinh doanh về ẩm thực. Các dịch vụ phục vụ mua sắm ban đêm cũng diễn ra tại các trung tâm mua sắm, chợ đêm. Ngoài ra còn có dịch vụ tham quan về đêm bằng đường thủy.
Công viên châu Á áp dụng nhiều chương trình miễn phí vé vào cửa tham quan công viên từ nay đến hết tháng 7-2020
PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận thấy, Đà Nẵng có nền tảng tốt, là đô thị văn minh, thân thiện đẹp và an toàn, là địa chỉ du lịch có tên tuổi quốc tế. Tuy nhiên, Đà Nẵng chỉ mới đáng sống ban ngày bởi các hoạt động kinh tế đêm thực chất là kéo dài nền kinh tế ban ngày đến 21-22 giờ mà theo luật các địa điểm phải đóng cửa lúc 24 giờ hoặc đến 2 giờ hôm sau. Về nguyên nhân, theo ông Thiên, với tập quán văn hóa và đạo đức cổ truyền, hoạt động ban đêm vẫn coi là mờ ám và tội lỗi. Đa phần người dân hiểu về kinh tế ban đêm nghèo nàn, quy về “ăn nhậu ban đêm”; thiếu hệ thống bảo đảm an toàn.
Đà Nẵng chỉ mới đáng sống ban ngày bởi các hoạt động kinh tế đêm thực chất là kéo dài nền kinh tế ban ngày đến 21 - 22 giờ
“Đà Nẵng cần xác định kinh tế đêm là một nền kinh tế tức phải có cơ chế vận hành khác, nguồn lực khác, luật lệ khác để điều tiết chứ không phải chuyển sang từ ban ngày. Vì thế cách xử sự phải rất bài bản, hiện đại, đẳng cấp mới làm được”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhìn nhận.
Để phát triển kinh tế đêm, theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, trước mắt Đà Nẵng sẽ chọn lọc các khu vực làm sao để hạn chế những khu vực dịch vụ nằm xen kẽ trong địa bàn khu dân cư và một số khu vực sẵn có cơ sở vật chất để phát triển, nâng cấp khai thác với hình thức trang trí để nhận diện là các khu vực dịch vụ đang thí điểm cho phát triển kinh tế ban đêm; vận động các khu, điểm du lịch lớn như Bà Nà Hills, Công viên châu Á – Asia Park, các khu du lịch khác tăng thêm các hoạt động về đêm, đặc biệt là các show diễn, hoạt động gia tăng trải nghiệm góp phần tăng thời gian lưu trú, hiệu quả kích thích chi tiêu của du khách, kích cầu du lịch.
Từ ngày 16-7 đến 5-9, tại khu du lịch Bà Nà, du khách là người ngoại tỉnh có thể mua combo “Xứ sở hội hè” với mức giá 850.000 đồng/vé người lớn và 650.000 đồng/ trẻ em từ 1m-1,4m, miễn phí trẻ dưới 1m.
Ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Sun World nhấn mạnh, Đà Nẵng có một lượng khách rất lớn như vậy nhưng nếu thành phố không phát triển “thâm canh” về kinh tế đêm thì lượng khách này sẽ không tiêu tiền vào buổi tối. Theo chỉ số nghiên cứu thì chi tiêu 30% ban ngày, 70% ban đêm, như vậy thành phố đang mất 70% doanh thu.
“Chúng ta phải để ý đến câu chuyện thâm canh, giống như việc chúng ta thuê mặt bằng để kinh doanh một món rất đắt tiền nhưng ta chỉ bán ăn sáng thôi còn trưa tối ta bỏ ngỏ”, ông Nam đề nghị.
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, do sự chênh lệch múi giờ nên nguồn khách châu Âu, Úc, Mỹ sẽ là đối tượng bức thiết trong nhu cầu phát triển du lịch về đêm. Với những lợi thế sẵn có, Đà Nẵng cần là thành phố đầu tiên tạo nên “vệt dài” về các dịch vụ phát triển về đêm. Điển hình như, trên sông hoạt động du thuyền đi lại nhộn nhịp; trên bến có phố đi bộ, ẩm thực giải trí mua sắm từ Cầu Rồng kéo đến cầu Trần Thị Lý, Công viên châu Á, cầu Nguyễn Văn Trỗi, chợ đêm Sơn Trà, khu phố Nguyễn Văn Thoại, Võ Văn Kiệt đến phố An Thượng... làm sao để cho du khách cảm thấy hối tiếc, thèm muốn được quay trở lại Đà Nẵng.
“Để làm nên điều đó, du lịch Đà Nẵng cần có những sức hút mạnh mẽ, an toàn đặc biệt từ các nhà đầu tư lớn, những "con sếu" đầu đàn như Tập đoàn Sun Group, Vingroup,…cũng như một số nhà đầu tư đang làm tại Đà Nẵng”, ông Dũng chia sẻ.
Trước mắt, Đà Nẵng tập trung phát triển một số khu du lịch như phố An Thượng
Trong định hướng chung phát triển kinh tế ban đêm, thành phố xác định 4 nhóm hoạt động dịch vụ bao gồm: vui chơi giải trí, ẩm thực, dịch vụ mua sắm, tham quan du lịch. Ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, về lâu dài, thành phố dự kiến chọn một số khu vực để quy hoạch xây dựng và tạo cơ chế thu hút đầu tư về cụm du lịch trọng điểm để phát triển kinh tế ban đêm như khu phố du lịch An Thượng, tuyến Bạch Đằng – Trần Hưng Đạo và cầu Nguyễn Văn Trỗi; khu vực tuyến biển Trường Sa – Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp và tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành; ngoài ra 1 số khu vực khác như làng Vân, Bà Nà Hills…
“Phát triển kinh tế đêm là một lĩnh vực mới mẻ đối với Đà Nẵng, còn manh mún, chưa có quy hoạch. Vì vậy, thành phố có cơ chế chính sách, chủ trương dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới”, ông Lê Trung Chinh nói.