Theo đó, hệ thống Kiosk y tế thông minh giúp người dân đến Bệnh viện Đà Nẵng đăng ký khám chữa bệnh và thanh toán viện phí chỉ cần Căn cước công dân có gắn chip, ứng dụng VSSID, VneID (mức độ 2), sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, hiện nay trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đà Nẵng khám ngoại trú từ 2.000 đến 2.500 bệnh nhân và khám điều trị nội trú khoảng 2.500 bệnh nhân nên việc quá tải là khó tránh khỏi. Vì vậy, Kiosk y tế thông minh sẽ giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng sự hài lòng của người dân.
“Hệ thống ra đời giúp các bệnh nhân chủ động xác thực đăng ký khám bệnh và xác thực thông tin, thanh toán nhanh gọn tại quầy. Đồng thời, hệ thống tạo điều kiện cho các bác sĩ, nhân viên y tế quản lý thông tin người bệnh tốt hơn và giảm thiểu các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công việc”, ông Lê Đức Nhân nói.
Thiếu tá Đào Đình Nam, Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an) cho biết, giải pháp Kiosk y tế thông minh là một trong những chương trình đột phá, hiện thực hóa các nhiệm vụ cụ thể của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong lĩnh vực y tế, ngân hàng. Bộ Công an đặt ra mục tiêu hết năm 2025 sẽ có ít nhất 1001 Kiosk y tế thông minh tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.
“Hiện nay với Kiosk y tế hoặc với các dịch vụ thiết bị đầu đọc tại các địa điểm tiếp dân, tại điểm khám chữa bệnh tạo lập cho ngành y tế bộ dữ liệu sạch để thực hiện các hệ sinh thái khác. Giá trị của bộ dữ liệu này còn liên quan đến rất nhiều hoạt động chuyển đổi số của ngành y tế”, Thiếu tá Đào Đình Nam thông tin.