Theo đó, 5 tuyến buýt trợ giá có số hiệu tuyến 05, 07, 08, 11 và 12, với điểm đầu – cuối của lộ trình lần lượt: Hòa Hiệp Nam – Công viên Biển Đông; Bến xe buýt Xuân Diệu – Bến xe Phía Nam; Vũng Thùng – Bến xe buýt Phạm Hùng; Bến xe buýt Xuân Diệu – Bệnh viện Phụ sản Nhi; Bến xe buýt Xuân Diệu – Bến xe buýt Phạm Hùng.
Ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Điều hành Đèn Tín hiệu giao thông & Vận tải công cộng cho biết, các tuyến buýt đã có sự điều chỉnh điểm đầu - điểm cuối nhằm rút ngắn thời gian hành trình, tránh lòng vòng nhằm tăng tính hiệu quả của tuyến.
“Số lượng xe hoạt động là 55 xe buýt nhỏ thay vì xe buýt B40 như hiện nay. Mở bến lúc 5 giờ 30 và đóng bến lúc 19 giờ, tần suất hoạt động từ 10-30 phút/chuyến”, ông Hồ Nguyễn Quốc Cường nói.
Thực hiện nghi thức công bố |
Theo ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc FUTA Bus Lines, toàn bộ phương tiện xe buýt vận hành lần này được đầu tư mới 100%, là xe đời mới của hãng GAZ Minibus B26i, hãng sản xuất ôt ô uy tín của Liên bang Nga. Xe buýt được trang bị đầy đủ Camera, GPS, Wifi. Dòng xe sử dụng hệ thống xử lý khí thải EURO V, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu di chuyển hằng ngày, FUTA Bus Lines sẽ khai thác công nghệ để tăng cường trải nghiệm khách hàng như cải thiện tiện ích trên xe, hệ thống thanh toán tiện lợi.
Ông Đặng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho hay, giai đoạn 2 sẽ là tiền đề cho sở tiếp tục nghiên cứu khảo sát các loại hình vận tải công cộng khách trong giai đoạn từ nay đến 2030.
Trước đó, hệ thống buýt trợ giá Đà Nẵng giai đoạn 1 do Công ty Cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 vận hành. Tuyến buýt liên tục đình trệ do tài xế, phụ xe lãn công đòi tiền lương, các khoản BHXH, BHYT, BHTN. Theo BHXH TP Đà Nẵng, tính đến 31-5-2023, Công ty Quảng An 1 đã nợ gần 8,4 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền lãi) kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.