Nép mình trên trục đường ven biển sầm uất và náo nhiệt của TP Đà Nẵng, con đường bích họa gần khu vực Lăng Ông (đường Võ Nguyên Giáp, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) một thời dập dìu khách đến tham quan, chụp ảnh nay trở nên im ắng. Lượng khách đến tham quan, chụp hình thưa thớt khiến cho “dự án” quán cà phê bích họa của ông Lê Văn Trước (trú tại K4/16 đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà) phá sản, mất vốn đầu tư khoảng 170 triệu đồng.
Theo ông Trước, 9 tháng trước, khi địa phương đưa con đường bích họa vào khai thác phục vụ du khách, người dân nơi đây họp bàn xây dựng phương án tạo sinh kế từ đường bích họa. Ông Trước xung phong mở quán cà phê. Hộ có nghề làm mắm xin phép địa phương đặt bàn bán mắm. Nhưng sau một thời gian, ai cũng dẹp hết vì sức mua không có. Quán cà phê đóng cửa, nhưng mỗi chiều, ông Trước vẫn xách ghế ra ngồi trước cửa ngồi ngắm tranh. Bức vẽ trên tường người đàn ông vác xâu lưới, ông Trước được họa sĩ chọn làm nhân vật trong tranh, gợi cho ông nhiều cảm xúc về một thời làng Mân Thái tấp nập, nhộn nhịp. Song, vài chỗ trên bức tranh đã bị bong tróc, màu sơn đã bạc dần.
Tương tự, năm 2018, đường bích họa tại hẻm 75 đường Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu) nổi lên trong giới trẻ và lan rộng đến du khách như một điểm đến độc đáo. Có nhà trong hẻm bích họa, bà Nguyễn Thị Thọ (SN 1951) cho biết, trước đây, các hộ gia đình cho phường "mượn" tường nhà để vẽ tranh bích họa nên khách đến đông, người dân cũng được nhờ. Nhưng gần đây, vì nhiều lý do như bán nhà, đổi chủ… nhiều bức bích họa bị hủy hoại hoặc bị sơn lấp nên du khách cũng thưa dần.
“Nhiều nhóm khách tìm trên mạng để đến đây nhưng họ đến rồi lắc đầu đi ra. Hẻm bích họa giờ chỉ còn lác đác vài bức tranh. Có bức bị bong tróc, có bức xuất hiện chữ viết của trẻ con chơi đùa tạo nên”, bà Thọ kể.
Bán quán nước mía ở đầu hẻm 75 đường Nguyễn Văn Linh, bà Nguyễn Thị Tình (SN 1969, trú K257/6 đường Phan Châu Trinh, quận Hải Châu) cho biết, lúc trước, mỗi ngày bà kiếm được vài trăm ngàn đồng nhờ du khách đến đông, nhưng nay khách đã thưa vắng. Những chỗ giữ xe, quán cà phê, bán hàng lưu niệm cũng nghỉ dần vì ít du khách đến...
Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng, cho biết, thời gian đầu, các đường bích họa đều mang lại hiệu quả về cảnh quan, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, văn minh đô thị của người dân. Tuy vậy, lối tiếp cận với hẻm bích họa bị khuất tầm nhìn, thậm chí con hẻm bích họa trở nên ngoằn ngoèo, chật chội, dễ gây cảm giác bức bí như trường hợp hẻm 75 đường Nguyễn Văn Linh. Bên cạnh đó, nguyên tắc của loại hình mỹ thuật cộng đồng là làm mới, tuy nhiên các tuyến hẻm bích họa này mới tập trung kinh phí đầu tư ban đầu, chưa có đơn vị chuyên nghiệp “cầm trịch” duy trì, khai thác hiệu quả.
“Tranh bích họa không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà phần nào phản ánh văn hóa, đời sống, lịch sử của vùng miền. Địa phương nên phối hợp với một đơn vị chuyên nghiệp về du lịch để có những kế hoạch tạo "cú hích” như tạo không gian bắt mắt, tổ chức lễ hội thu hút du khách đi dạo ven biển, để người làm du lịch có hướng dẫn chuyên môn đối với người dân - chủ thể chính của sản phẩm du lịch. Ngoài ra, cần có những chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ kinh phí và tăng khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng cho người dân có mong muốn làm du lịch từ làng bích họa - sản phẩm du lịch cộng đồng và chính sách hỗ trợ đặc biệt dành riêng cho các khu vực khó khăn để phát triển hạ tầng phục vụ du lịch”, ông Nam Kha nói.