Theo cử tri Nguyễn Thanh Ngọc (trú tổ 26, phường Tân Chính, quận Thanh Khê), nhiều sáng kiến mới, ý tưởng mới, chủ trương mới ra đời để mong ước đưa TP Đà Nẵng lên tầm cao. Tuy nhiên, những lĩnh vực như trung tâm tài chính quốc tế, logistics, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm sản xuất chip bán dẫn, khu thương mại tự do,… vừa mới, vừa phức tạp, cần nhiều thời gian mới có kết quả.
Tuy nhiên, 3 năm gần đây, nhờ dịch vụ và du lịch tăng mạnh trong quý 2-2024, GRDP tăng 5% nhưng công nghiệp tăng chậm. Thu ngân sách chật vật dẫn đến Đà Nẵng không có nguồn lực lớn để tạo bức phá trở thành "hạt nhân" vùng trọng điểm miền Trung. Số doanh nghiệp hình thành mới ít hơn tạm dừng hoạt động. Có 38,4% số doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.
“Với quỹ đất hạn chế và nhiều lý do khác nhau, chúng ta khó thu hút “đại bàng” đến làm tổ. Nên chăng, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để tiếp tục lớn mạnh thành “đại bàng”. Đà Nẵng cần xây dựng chương trình mục tiêu tăng trưởng công nghiệp có tính thực tiễn và hành động tích cực có tính hiệu quả”, cử tri Thanh Ngọc nói.
Liên quan đến ý kiến cử tri, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng nhìn nhận, những phân tích của cử tri là đúng với thực tế. Quan điểm TP Đà Nẵng là hướng đến việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững; không sử dụng nhiều lao động như phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin… mang lại lợi ích lâu dài hơn là tăng trưởng "nóng". Muốn phát triển, TP Đà Nẵng không thể làm mà không trên cơ sở pháp luật.
Theo ông Quảng, trong Nghị quyết mới vừa được thông qua, có 2 nội dung lớn, gồm việc cho phép Đà Nẵng tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cho phép thí điểm 30 cơ chế chính sách đặc thù trong vòng 5 năm. Nói về cơ chế đặc thù, trước khi đề xuất, Đà Nẵng đã tiếp thu và có chọn lọc các chính sách của các địa phương như TPHCM, Khánh Hòa, Hải Phòng,… trên cơ sở áp dụng phù hợp vào thực tiễn.
Đơn cử, như chính sách phân cấp cho HĐND TP Đà Nẵng thực hiện việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch, tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án. TP Đà Nẵng đề nghị được phép thực hiện dự án tái định cư trước, sau đó mới thực hiện dự án và không gắn với dự án.
TP Đà Nẵng đề xuất 10 chính sách mới so với nhiều địa phương. Trong đó, có chính sách phân bổ ngân sách từ 2-4% cho quận, huyện, phường, xã làm dự phòng để xử lý các vấn đề phát sinh, chủ động trong triển khai thực hiện; giao thẩm quyền một cửa và tại chỗ cho Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng; miễn thuế cho nhà khoa học có đóng góp cho TP Đà Nẵng nhằm thu hút nhân tài...
Đặc biệt, Quốc hội cho phép Đà Nẵng thử nghiệm có kiểm soát những chương trình, dự án, các hoạt động mà chưa có quy định pháp luật.
"Khi thử nghiệm thì người thử nghiệm cũng như người giám sát thử nghiệm được miễn trừ trách nhiệm nếu để xảy ra hậu quả. Đây là trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu gây thiệt hại kinh tế đương nhiên phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Làm như vậy thì mới thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp, sáng tạo”, ông Quảng nhấn mạnh.
Ngoài ra, có các chính sách hoàn toàn mới mà TP Đà Nẵng đề xuất đã được Quốc hội đánh giá cao. Đó là, thí điểm Khu thương mại tự do, thực hiện việc thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội khi xây dựng dự án logistics, phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo,… Đây là 2 lĩnh vực mà cử tri theo dõi thấy hiện nay là một trong những vấn đề nóng trên thế giới và Việt Nam. Nếu không có chính sách thì không có điều kiện để thu hút nhà đầu tư, tập đoàn lớn. Chính vậy, TP Đà Nẵng đề xuất và hiện nay duy nhất trên cả nước, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên có chính sách đặc thù thu hút nhà đầu tư chiến lược vào trong lĩnh vực này.