>>> Video ghi nhận cuộc diễn tập:
Theo kịch bản, khu vực ven biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn đang thực hiện san lấp mặt bằng gần khu dân cư, các đơn vị chức năng phát hiện có phóng xạ cao bất thường và tiến hành sơ tán 10 hộ dân trong khu vực có nguy cơ. Sau khi phân tích phông phóng xạ gamma cho kết quả mức phóng xạ cao gấp 10 lần so với xung quanh, Trưởng Ban chỉ đạo ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân TP Đà Nẵng công bố mức báo động, đồng thời ra quyết định ứng phó sự cố. Qúa trình ứng phó kéo dài trong khoảng 1 giờ 30 phút tại khu vực san lấp mặt bằng. Vật liệu chứa hàm lượng phóng xạ sử dụng trong ứng phó là vật liệu mô phỏng.
TS Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KHCN Đà Nẵng, cuộc diễn tập nhằm kiểm tra sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố, việc truyền đạt thông tin giữa các tổ chức tham gia ứng phó. Đồng thời, tập trung vào việc củng cố khả năng phối hợp và nâng cao năng lực ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cho một số lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân TP Đà Nẵng và Quân khu 5.
"Lần diễn tập này tập trung vào các kỹ năng xử lý tình huống cho lực lượng tham gia để ứng phó bất cứ tình huống phát hiện phông phóng xạ dị thường ở bất cứ đâu trên địa bàn, đặc biệt khu vực đông dân cư, du khách", ông Viên nói.
Sau buổi diễn tập, PGS.TS Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ KHCN nhìn nhận, đến thời điểm này, Bộ KHCN thông qua 55/63 kế hoạch ứng phó sự cố của các tỉnh, thành. Trong đó, Đà Nẵng là một trong những đơn vị sớm nhất. Là đơn vị thực hiện đều đặn các kế hoạch diễn tập phòng bức xạ hạt nhân qua các năm.
Mấy năm gần đây, Đà Nẵng đang ứng dụng nguồn bức xạ rộng rãi trong các ngành, bên cạnh lợi ích thì nguy cơ rủi ro là cao. Vì thế, với việc Đà Nẵng chỉ đạo diễn tập ứng phó đều đặn là cần thiết, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ về bức xạ hạt nhân. Buổi diễn tập đúng quy trình, đúng bản chất, các lực lượng rất cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.
>>>Hình ảnh diễn tập: