1. Hai khu nhà liền kề tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn là nơi sinh sống của hơn 120 hộ gia đình với hơn 500 nhân khẩu chủ yếu là những người lao động, công nhân có thu nhập thấp. Họ đã chuyển về đây sinh sống hơn 10 năm, cả những người lao động nơi xa đến cư trú.
Thấy người lạ, lại “tay xách nách mang” túi cặp, một cô trong khu nhà liền kề thuộc tổ 76 phường Hòa Hải cất tiếng hỏi: “Phát phiếu cử tri hay tiểu sử tóm tắt hả con, khu này mọi người nhận hết rồi”.
Trao đổi với các cô chú tại đây về những thông tin bầu cử, mọi người đều hào hứng chia sẻ. Theo bà Tăng Thị Bích Hạnh (61 tuổi, cư dân tại khu nhà liền kề), thông tin về bầu cử đến với người dân khu nhà liên kề là “no nê”. Từ việc tuyên truyền của đoàn viên thanh niên, đến tổ trưởng khu vực đều trao đổi rất kỹ về hình thức bầu cử. Muốn tìm hiểu về thông tin bầu cử không khó, vì những nội dung tuyên truyền, hay danh sách các ứng cử viên cũng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, hay qua tivi.
“Nhiều thông tin chia sẻ, nên tôi cũng thấy ngày bầu cử trở nên đặc biệt hơn. Dịch bệnh nhưng mọi người đều cố gắng để chúng tôi được thực hiện quyền lợi là công dân của mình, bỏ phiếu bầu ra những người xứng đáng đại diện công dân. Thế tại sao tôi không bớt chút thời gian của mình để tham gia bầu cử chứ?”, bà Hạnh chia sẻ.
Chăm chú đọc thông tin về ứng cử viên, theo bà Lê Thị Hồng (48 tuổi, cư dân tại khu nhà liền kề), nhiều đơn vị cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân thay ca cho nhau hoặc nghỉ làm để các công nhân có thể đi bầu cử đúng giờ. Việc của người dân cần làm bây giờ là tìm hiểu thật kỹ để chọn ra những người xứng đáng.
Tham khảo một vòng ý kiến những người dân trong khu nhà liên kề, hầu hết ở đây đều là những người lao động khó khăn, bị ảnh hướng nặng nề từ dịch bệnh, nên thông tin về các ứng viên được mọi người quan tâm hơn cả chính là những người có tiếng nói đại diện cho người lao động.
“Chúng tôi là những người lao động còn khó khăn nên quan tâm hơn cả là những ứng viên có tiếng nói cho người lao động. Những lá phiếu này, chúng tôi sẽ ủng họ cho các ứng cử viên đại diện người lao động, công nhân, để những chính sách cho người lao động được lắng nghe nhiều hơn”, bà Hồng cho biết.
2. Không chỉ vậy, ở những khu vực có lực lượng lớn người lao động và công nhân tại các khu công nghiệp Đà Nẵng, công tác vận động cũng được quan tâm hơn cả.
Bà Vũ Thị Nhu, chủ nhà trọ, tổ tự quản số 2, phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, bà thường tranh thủ những giờ có công nhân tại phòng trọ để đến từng phòng để phát tờ gấp của quận, phường chuyển về. Đồng thời, nhắc nhở mọi người tranh thủ đọc nội dung trên đó để nắm thông tin về ngày hội của đất nước. Do dịch bệnh Covid-19, trước đó, bà cũng đi từng phòng trọ để vận động công nhân bầu cử tại nơi cư trú, không di chuyển về quê.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, đơn vị đã có văn bản chỉ đạo đến các công đoàn cơ sở tại các khu công nghiệp, đặc biệt là các khu trọ tại các tổ công nhân tự quản, các khu trọ đông công nhân. Công tác tuyên truyền có 2 nội dung chính là công tác phòng chống dịch và bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
“Tất cả các khuyến cáo, các phương án bầu cử trong phòng chống dịch đều đã có tập huấn và kịch bản, chúng tôi thông tin rộng rãi đến công nhân người lao động. Chúng tôi cũng tuyên truyền về ý thức trách nhiệm, quyền lợi của mỗi cử tri, của mỗi công dân để tham gia bầu cử lựa chọn ra những đại biểu đại diện cho ý chí nguyện vọng của họ đóng góp vào sự phát triển của thành phố, cũng như sự phát triển của đất nước, đảm bảo nâng được các mức về đời sống, thu nhập thiết thực cho người lao động”, ông Minh cho biết.
Đi bầu cử là thể hiện quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động. Do đó, công đoàn các cấp đã phối hợp với chính quyền địa phương thống kê đầy đủ danh sách, đảm bảo không bỏ sót người và tham gia bầu cử theo đúng quy định giãn cách để phòng dịch.