Chiều 30-5, Sở TN-MT, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện thí điểm Trường học Xanh thuộc Chương trình “Thành phố sạch, đại dương Xanh” (CCBO) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Công ty Tetra Tech (ARD, INC) tài trợ.
Sau 8 tháng thực hiện thí điểm tại 20 trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang, chương trình đã tổ chức được 65 sự kiện trong trường học và 2.042 tiết học. Hơn 1.200 thầy cô đã được cung cấp kiến thức liên quan đến mô hình; 24.000 học sinh được nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Kết quả, hơn 11,7 tấn rác trong các trường học được phân loại và xử lý hoặc chuyển giao cho các đơn vị thu gom, trong đó có 700kg rác thải nhựa…
Ông Đặng Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng đánh giá cao những kết quả đạt được sau 8 tháng thực hiện thí điểm mô hình trường học xanh tại 20 trường tiểu học trên địa bàn 5 quận, huyện. Trên cơ sở này, địa phương hướng đến triển khai nhân rộng mô hình trường học xanh đến các trường THCS, THPT trên địa bàn, góp phần đưa giáo dục môi trường vào trường học hiệu quả thiết thực. Đây là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy công tác quản lý chất thải rắn nói chung và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nói riêng, thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản liên quan đến triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng chương trình góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, học sinh về bảo vệ môi trường, lan tỏa những hoạt động hữu ích về bảo vệ môi trường đến người thân gia đình, bạn bè.
Thầy Đặng Ngọc Lam, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) cho biết, trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể, lập ban chỉ đạo và có các quy định giảm thải nhựa để phổ biến đến các học sinh, phụ huynh. Nhà trường cũng thực hiện đồng thời củng cố hệ thống cơ sở vật chất để phục vụ cho mô hình Trường học xanh như như thay thế các sản phẩm dùng một lần, trang bị hệ thống lọc nước để lấy nước vào bình cá nhân, dán nhãn phân loại cho các thùng rác lớp học phù hợp với cách phân loại và xử lý của nhà trường, kiểm toán rác, theo dõi lượng rác phát sinh trong trường hàng tháng; tổ chức giải bóng đá không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần; lễ hội ẩm thực hạn chế rác… chú trọng thực hành hình thành thói quen cho các em trong việc quản lý rác thải, có cách ứng xử phù hợp với rác thải góp phần xây dựng môi trường học tập xanh – sạch – đẹp -an toàn.
Tương tự, cô Trần Thị Hiền, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, việc phân loại rác đúng cách, tái chế vật liệu,… không chỉ giúp học sinh hiểu sâu quy trình, giảm thiểu rác thải mà còn kích thích khả năng sáng tạo và tư duy xanh. Để giảm rác thải ra môi trường, đơn vị đã chủ động phân loại rác và dành một khoảng đất trống trong trường để đào hố, ủ rác hữu cơ. Những sản phẩm này sẽ là phân hữu cơ cho vườn rau của trường.
Trong khi đó, đại diện phòng TN-MT huyện Hòa Vang cho rằng, các trường chủ động xây dựng kế hoạch phân công cụ thể nhằm triển khai hướng dẫn thực hành đến từng lớp học, từng em học sinh để nâng cao kiến thức, hình thành thói quen. Tuy vậy, việc triển khai bộ tiêu chí mới này làm cho giáo viên, học sinh bỡ ngỡ (trong cách làm, các ghi chép, tổng hợp, báo cáo...) cần phải đầu tư trong khi thời gian triển khai ngắn. Ông cũng đề xuất cần có hướng dẫn việc xác lập các minh chứng đối với từng nhóm tiêu chí phù hợp, đơn giản để các trường thuận lợi trong quá trình thực hiện.