Chiều 8-6, Sở TN-MT Đà Nẵng tổ chức hội nghị quán triệt cấp thành phố nội dung của Nghị quyết số 36NQ/TW của Trung ương, Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình hành động số 28-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng, Quyết định số 688/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 28-CTr/TU và cập nhật tình hình Biển Đông hiện nay đến các cấp, các ngành.
Đề cập những diễn biến mới về an ninh chính trị biển Đông trong thời gian gần đây, ông Hà Văn Thông, Chính trị viên Đồn biên phòng Non Nước (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng) nhấn mạnh, từ đầu năm 2020, Trung Quốc có những hành động leo thang mới vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm những tuyên bố, gây phức tạp cho an ninh chính trị tại biển Đông. Đồng thời, tần suất hoạt động của Mỹ và các nước đồng minh có chiều hướng gia tăng, thể hiện thái độ của Mỹ đối với những tuyên bố việc làm của Trung Quốc ở trên biển Đông.
Người dân Đà Nẵng đến xem những tư liệu, hiện vật tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa
Chính vì vậy, trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo hiện nay, Việt Nam có những thuận lợi nhất định, như: Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo với đầy đủ chứng cứ pháp lý, tư liệu lịch sử khẳng định chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế; biển Đông hiện nay không còn là vấn đề song phương mà là vấn đề đa phương, trở thành vấn đề an ninh của khu vực, là một trong những tâm điểm chính trị của thế giới, là địa bàn cạnh tranh chiến lược liên quan đến lợi ích của nhiều nước, phần lớn các diễn đàn thảo luận có xu hướng đều có lợi cho Việt Nam; các nước có chủ quyền trên biển Đông đang có cùng tình trạng bị Trung Quốc chèn ép nên Việt Nam dễ tạo sự đồng thuận với họ trong đấu tranh...
Việt Nam có nhiều tiềm năm phát triển kinh tế biển
Tuy vị thế của Việt Nam được tăng cường nhưng so sánh tương quan lực lượng hai bên thì vẫn còn chênh lệch. “Chúng ta kiên trì giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, một mặt kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia trên biển”, ông Thông cho hay.
Bảo vệ môi trường biển là một trong những cơ sở để phát triển kinh tế biển
Rác tấp vào bờ biển sau mỗi trận mưa lớn
Đối với Việt Nam, biển đảo không chỉ là một phần tạo nên chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là không gian sinh tồn của mọi người Việt Nam.
Ông Thái Duy Phương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng Uỷ khối các cơ quan TP Đà Nẵng cho hay, Nghị quyết số 36-NQ/TW là những vấn đề cơ bản nền tảng có ý nghĩa chiến lược, sống còn đối với sự phát triển của đất nước, là nội dung cốt lõi trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bảo vệ khu vực biên giới biển, xây dựng hệ thống chính trị ở khu vực biên giới biển bền vững, gắn với phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới biển để xây dựng biên giới hòa bình, ổn định phát triển... Chiến lược phát triển kinh tế biển là một trong những trụ cột phát triển của thành phố trong giai đoạn mới.
Ông Thái Duy Phương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng Uỷ khối các cơ quan TP Đà Nẵng trình bày Nghị quyết số 36-NQ/TW tại hội nghị
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho biết, việc tiếp tục tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề có liên quan đến biển đảo, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan đơn vị địa phương và lồng ghép các nội dung liên quan trong văn kiện Đại hội Đảng các cấp nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, tăng cường tiềm lực kinh tế, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Việt Nam luôn được thực hiện thường xuyên. Đồng thời, nêu cao những tấm gương cá nhân và tập thể uy tín điển hình trong hoạt động phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo.