Tận dụng cảng nước sâu
TP Đà Nẵng hiện sở hữu 2 cảng nước sâu là Tiên Sa và Liên Chiểu có vị trí, giá trị mang tầm chiến lược, là cửa ngõ hướng ra quốc tế. Trong đó, cảng Tiên Sa đóng vai trò khá quan trọng.
Nằm trong vịnh Đà Nẵng với diện tích 12km2 cùng hệ thống giao thông thuận lợi, cảng Tiên Sa sở hữu gần 1.200m cầu bến có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 70.000DWT, tàu container đến 4.000TEU, tàu khách loại lớn đến 150.000GRT. Hệ thống cầu bến cùng các thiết bị xếp dỡ, kho bãi hiện đại, đảm bảo năng lực khai thác lên đến 8 triệu tấn/năm.
Hiện tại, 16 hãng tàu container thường xuyên có tàu đến cảng Đà Nẵng với trung bình 22-25 chuyến tàu container/tuần, tỷ trọng container chiếm khoảng 65% khu vực miền Trung. Dù vậy, cảng Tiên Sa hiện đang bị tác động bởi hạ tầng giao thông kết nối có dấu hiệu quá tải.
Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, trong bối cảnh cảng Tiên Sa đã sử dụng gần hết công suất (10 triệu tấn/năm) và không còn khả năng mở rộng, việc xây dựng mới cảng Liên Chiểu để thay thế có ý nghĩa quan trọng, giúp Đà Nẵng duy trì được vị thế đầu tàu kinh tế, là động lực phát triển của khu vực. Đặc biệt, khi hàng hóa được chuyển dần sang cảng Liên Chiểu sẽ giúp cảng Tiên Sa được cải tạo và chuyển đổi công năng thành cảng du lịch.
Mới đây, trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với lãnh đạo TP Đà Nẵng về chủ trương đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống nhất quy hoạch, đầu tư cảng biển Đà Nẵng (bao gồm khu bến Tiên Sa, khu bến Liên Chiểu…).
Cụ thể, trong thời gian tới khu bến Tiên Sa vẫn sẽ là khu bến cảng tổng hợp, cảng container phục vụ TP Đà Nẵng, một phần Bắc Tây Nguyên và hàng quá cảnh của Lào, Đông Bắc Thái Lan; tiếp nhận tàu có trọng tải từ 30.000-50.000 tấn, tàu container có sức chở đến 4.000TEU, tàu khách du lịch quốc tế có tổng dung tích 100.000GRT và lớn hơn với ga hành khách đồng bộ, hiện đại; Khu bến Liên Chiểu trước mắt có chức năng chính là chuyên dùng cho hàng rời, hàng lỏng phục vụ trực tiếp các cơ sở công nghiệp dịch vụ tại đây.
Về lâu dài (sau năm 2020) sẽ từng bước phát triển để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung, tiếp nhận tàu có trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000-8.000TEU.
Trung tâm kinh tế biển
Có thể khẳng định, phát triển kinh tế biển gắn với hoạt động hàng hải, khai thác lợi thế cảng nước sâu, phát triển các sản phẩm du lịch biển gắn công nghiệp du thuyền… đang là mục tiêu mà TP Đà Nẵng hướng đến. Trong đó, các cảng ở Đà Nẵng đóng vai trò là mắt xích quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây kết nối 13 tỉnh, thành phố của 4 quốc gia (Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam).
TS Huỳnh Huy Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, cho rằng, ngoài nâng cấp mở rộng 2 cảng Tiên Sa và Liên Chiểu, Đà Nẵng cần nghiên cứu nâng cấp cảng cá Thọ Quang thành cảng loại 1, theo hướng trở thành 1 trong 5 trung tâm nghề cá của cả nước gắn với ngư trường biển Đông và Hoàng Sa. Từng bước phát triển đội tàu vỏ thép, tàu composit, gỗ bọc composite công suất lớn, hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc, ngư lưới cụ khai thác…
Đặc biệt, nâng cấp Trường Cao đẳng Lương thực Đà Nẵng thành Trường Đại học Thủy sản Đà Nẵng để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khai thác hải sản, nuôi trồng biển và chế biến thủy sản. Đầu tư nâng cao năng lực quản lý về thủy sản của lực lượng kiểm ngư, hệ thống thông tin quản lý nghề cá, dự báo ngư trường, kết nối thông tin liên lạc tàu cá… nhằm đảm bảo an toàn cho tàu và người khi hoạt động khai thác trên biển…
Theo ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thành phố đã xây dựng chiến lược phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics với hệ thống các cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu. Trong đó, cảng Liên Chiểu là nội dung được bổ sung vào điều chỉnh quy hoạch chung thành phố và là hạ tầng trọng điểm, tạo cú hích cho phát triển kinh tế biển khi thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.