Nhà trường, nhà mạng cùng gỡ khó
Dịch bệnh phức tạp, từ đầu năm học, tại TP Đà Nẵng, các cơ sở giáo dục thường xuyên dạy học trực tuyến trên các nền tảng ứng dụng như: Zoom, Microsoft Teams, Google Meeting…
Vừa hết tiết dạy trực tuyến, cô Mai Thị Thoa, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hải Châu) cho biết, ngay sau buổi học, để các em củng cố kiến thức, giáo viên thường xuyên gửi link (đường liên kết), video và nhờ phụ huynh rảnh giờ nào thì hỗ trợ các em ôn bài thêm tại nhà giờ đó.
Học trực tuyến là giải pháp phù hợp trong lúc xảy ra dịch bệnh. Đôi khi mạng không ổn định, giáo viên và học sinh bị thoát khỏi phòng học trực tuyến rồi vào lại nhiều lần rất bất tiện. “Trường hợp này ít xảy ra nhưng mỗi lần gặp sự cố, cả cô lẫn trò đều thấy tiết học chưa thể hoàn thiện”, cô Thoa cho biết.
Theo cô Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du, với những học sinh khó khăn chưa có phương tiện học tập, nhà trường kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ phương tiện như máy tính, sách giáo khoa... giúp các em tiếp thêm ý chí, nghị lực học tập.
Để gỡ vướng mắc trong dạy học trực tuyến, nhà trường thường họp bàn với các giáo viên vào cuối tuần. Các chương trình học đều thống nhất tích hợp dạy theo chủ đề, giảm thời lượng học trực tuyến của từng môn và trong từng ngày. Đối với học sinh khối lớp 1 và 2, giáo viên tận dụng bài giảng truyền hình để giảm áp lực cho học sinh nhỏ tuổi.
Theo Viettel Đà Nẵng, từ tháng 5-2021 đến nay, để bảo đảm chất lượng cho người dùng internet cố định nói chung, Viettel chủ động nâng gấp đôi băng thông Internet cho tất cả khách hàng.
Theo bà Lê Thị Huệ, PGĐ Giải pháp Công nghệ thông tin - Viettel Đà Nẵng, đối với ngành giáo dục, Viettel chủ động giới thiệu phần mềm “Trường học trực tuyến K12online” đến từng đơn vị, trường học trên địa bàn. Đồng thời, khuyến cáo giáo viên và học sinh sử dụng mạng 4G hoặc mạng cố định, hạn chế sử dụng nhiều thiết bị cùng lúc như tivi, iPad… tránh làm chậm đường truyền.
Xây dựng trường học 4.0
Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho rằng, việc chuyển đổi số triển khai trong giáo dục trên địa bàn nhiều năm nay, khi Covid-19 bùng phát, vấn đề này mới thực sự “chạm” đến từng đơn vị trường học, giáo viên, phụ huynh, học sinh. Phương thức này trở thành cứu cánh giúp việc dạy học, liên hệ, quản lý nhà trường, công tác chuyên môn diễn ra thông suốt trong thời gian giãn cách xã hội.
“Nhờ chuyển đổi số, năm học 2020-2021, ngành giáo dục TP Đà Nẵng hoàn thành đúng tiến độ năm học theo kế hoạch. Thời gian tới, ngành giáo dục đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất các trường, dần dần đồng bộ, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên, học sinh; xây dựng trường học ứng dụng công nghệ 4.0; hướng đến quản lý, điều hành, kiểm tra, đánh giá, tuyển sinh trên cơ sở số hóa…”, bà Thuận cho biết.
Không những cơ sở giáo dục các cấp 1, 2, 3 trải qua gần hai năm, các trường đại học thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng đã thích ứng phương thức trực tuyến trong dạy và học cũng như các hoạt động quản trị giáo dục, đối ngoại…
Theo PGS.TS. Lê Văn Huy, Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, từ đầu năm 2020, nhà trường thay đổi phương pháp giảng dạy, sử dụng các nền tảng số, tập trung phát triển hệ thống e-learning theo chuẩn quốc tế. Đây là nền tảng để nhà trường chủ động, nhanh chóng triển khai các giải pháp đào tạo trực tuyến trong bối cảnh Covid-19 bùng phát.
Đồng thời, trường cũng đẩy mạnh đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu học tập mọi nơi, mọi lúc thông qua hệ thống phòng đa chức năng phục vụ các hoạt động quản trị và giảng dạy trong trường như: họp trực tuyến, cầu truyền hình, giảng dạy trực tuyến...
“Chuyển đổi số tạo dựng môi trường học thuật tiên tiến theo hướng giảm thuyết giảng, tăng cái nhìn trực quan qua hình ảnh video, tăng khả năng tự học của sinh viên”, PGS.TS. Lê Văn Huy nói.