ATTP là ưu tiên hàng đầu
Trong 2 năm 2018, 2019, Ban quản lý ATTP Đà Nẵng đã lấy 2.869 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu ATTP. Qua đó, phát hiện 17/720 mẫu rau, trái cây; 72/316 mẫu thịt tươi sống nhiễm vi sinh vật; 5/316 mẫu thịt tươi sống nhiễm E.Coli... Đặc biệt, với 43.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 878 cơ sở vi phạm, tổng số tiền xử phạt 3,59 tỷ đồng.
Qua thanh tra, kiểm tra liên tục, số cơ sở vi phạm về ATTP năm 2019 đã giảm so với năm 2018 (từ 587 (2,6%) cơ sở vi phạm xuống còn 291 (1,34%) cơ sở vi phạm). Trong 9 tháng đầu năm 2020, Ban quản lý ATTP Đà Nẵng đã thanh tra, kiểm tra 1.104 cơ sở, phát hiện 28 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 400 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng cho biết, mô hình Ban quản lý ATTP ra đời đã khắc phục được các hạn chế về phối hợp giữa các sở, ngành, đồng thời cho phép tập trung đầu mối quản lý ATTP đối với các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ.
“Qua 3 năm thí điểm, Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân thông qua việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm thực phẩm từ thu mua, sơ chế, chế biến, sản xuất, đóng gói, bảo quản, vận chuyển… và quản lý được các tổ chức, cá nhân tham gia trong chuỗi cung cấp thực phẩm”, ông Nguyễn Tấn Hải nói.
Theo ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng, ATTP luôn là vấn đề được toàn xã hội quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Việc sử dụng một sản phẩm chất lượng, nhìn ở mặt giá thành sản phẩm có thể đắt hơn sản phẩm cùng loại không/chưa đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện về hậu quả xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi người, thì khi mua và sử dụng các sản phẩm có chất lượng dù giá có cao thì nó vẫn “rất rẻ” so với những sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Bước vào mùa cao điểm lễ, tết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, công tác đảm bảo ATTP phải được đảm bảo và phải xác định là công tác ưu tiên đặt lên hàng đầu, nhất là kiểm soát thực phẩm nhập từ nơi khác về TP Đà Nẵng.
“Hiện đối với các chuỗi cung ứng tại TP Đà Nẵng có thể kiểm soát được hoàn toàn, nhưng đối với những sản phẩm nhập về TP Đà Nẵng thì không thể kiểm soát triệt để được phần gốc (nơi sản xuất). Vì vậy, thực phẩm ngay khi nhập về đến TP Đà Nẵng phải có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo ATTP cho người dân”, ông Lê Trung Chinh cho biết.
Truy xuất nguồn gốc, hướng đến chợ ATTP
Hàng năm, sản lượng thủy sản nhập vào cảng cá và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang khoảng 130.000 tấn, trong đó thủy sản từ khai thác 126.000 tấn (chiếm tỷ lệ 97%), thủy sản nuôi 4.000 tấn (chiếm khoảng 3%). Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đóng vai trò quan trọng trong cung cấp thực phẩm cho người dân TP Đà Nẵng. Việc quản lý chặt chẽ nguồn hàng tại các chợ đầu mối được xem là giải pháp quan trọng cho vấn đề bảo đảm ATTP đang rất "nóng" hiện nay.
Để bảo đảm an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng thủy sản, bà Lê Hoàng Thúy, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho rằng, đơn vị đã yêu cầu các phương tiện thực hiện kê khai nguồn gốc thủy sản nhập vào cảng cá, chợ đầu mối.
Ban quản lý ATTP thường xuyên thực hiện lấy mẫu giám sát, kịp thời cảnh báo và truy xuất nguồn gốc đối với thủy sản không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, các cơ sở được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn vẫn còn ít. Việc chưa quản lý, truy xuất được tận gốc đối với các sản phẩm không bảo đảm ATTP một phần do đặc thù sản phẩm không có bao gói, được thu gom qua nhiều cơ sở.
Mặt khác, TP Đà Nẵng có hơn 70 chợ truyền thống. Năm 2018, UBND TP Đà Nẵng ban hành bộ tiêu chí xây dựng mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP. Tuy nhiên, đến nay, TP Đà Nẵng mới chỉ có 8 chợ được thẩm định, công nhận chợ đạt “Mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.
Theo ông Nguyễn Đình Mâng, Trưởng Ban quản lý chợ quận Ngũ Hành Sơn, vấn đề mấu chốt để đáp ứng được tiêu chí chợ ATTP là hạ tầng. Tuy nhiên, hầu hết chợ truyền thống được xây dựng lâu năm, vấn đề thoát nước, cống rãnh, phân khu vốn đã tồn tại nhiều bất cập. Ngay cả chợ Non Nước trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, dù đã được công nhận chợ ATTP nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 80% các tiêu chí. Chợ vẫn chưa tách biệt hoàn toàn giữa khu ăn uống với các mặt hàng, giữa thực phẩm chín và sống.
“Trong xu hướng phát triển của xã hội hiện đại, để chợ truyền thống không bị mai một, vừa giữ được nét văn hóa vừa đảm bảo được sự cạnh tranh, vấn đề ATTP phải được đặt lên hàng đầu. Để chuẩn hóa toàn bộ chợ truyền thống, đủ tiêu chuẩn chợ ATTP, đây là vấn đề khó. Để làm được cần sự đồng lòng của chính quyền và người dân, trực tiếp là các tiểu thương buôn bán tại chợ”, ông Nguyễn Đình Mâng nói.