Test nhanh ngẫu nhiên - tăng niềm tin người tiêu dùng
Tại chợ Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), tất cả các loại thực phẩm đã chế biến sẵn bày bán tại đây được test nhanh ngẫu nhiên để kiểm tra các chất phụ gia và phẩm màu theo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Hầu hết các mẫu test đều cho kết quả âm tính.
Là một trong 40 hộ trong khu kinh doanh hàng ăn và thực phẩm đã qua sơ chế, anh Nguyễn Tấn Đạt là tiểu thương chợ Nại Hiên Đông cho biết, người tiêu dùng hiện nay ý thức rất cao về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, nếu tiểu thương không tuân thủ các quy định sẽ tự làm mất uy tín và mất khách hàng buôn bán lâu nay.
Còn chị Nguyễn Thị Thoa, tiểu thương chợ Nại Hiên Đông cho rằng, các sản phẩm chả cây, chả quết (gồm chả heo, chả bò) mà đơn vị nhập của một hộ sản xuất trên địa bàn có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tiểu thương buôn bán phải biết cách bảo quản và chỉ nhập ước chừng để bán trong ngày.
“Giò, chả buổi sáng thì mình chỉ bán hết trong ngày thôi, không còn chả dư cho ngày hôm sau. Còn hàng đông lạnh là mình bỏ vào thùng xốp, lúc nào cũng có độ lạnh nên hàng không thể hư hỏng được”, chị Thoa nói.
Hiện quận Sơn Trà có 7 chợ truyền thống, trong đó có 3 chợ có ngành hàng ăn uống, thực phẩm chế biến sẵn, phục vụ du khách. Để đảm bảo an toàn thực phẩm tại chợ, chuyên viên an toàn thực phẩm tăng cường giám sát, test nhanh ngẫu nhiên mẫu thực phẩm tại quầy. Việc test nhanh này nhằm phát hiện các chất phụ gia không nằm trong danh mục cho phép, đồng thời nâng cao ý thức của người kinh doanh.
Dược sĩ Hoàng Thị Duyên, Chuyên viên An toàn thực phẩm - Ban Quản lý các chợ quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) cho biết, việc test nhanh là bước đầu tiên để phát hiện. Đối với trường hợp phát hiện sau khi test nhanh, đơn vị tiến hành kiểm tra lại lần nữa. Nếu vẫn phát hiện, đơn vị bắt đầu lập biên bản và đưa vật mẫu đến những Trung tâm kiểm nghiệm tiếp tục phân tích thành phần để có cơ sở xử phạt.
“Khi kiểm tra khu hàng ăn, đơn vị thường xuyên kiểm tra chỉ số formaldehyde, hàn the, dầu mùi hôi khét, phẩm màu, hypocloric,... Thậm chí trong hàng ăn có dưa chua cũng phải test sản phẩm dưa chua”, dược sĩ Duyên nói.
Theo ông Phan Mạnh Hân, Phó Trưởng Ban Quản lý các chợ quận Sơn Trà, thời gian qua, việc tổ chức test nhanh quầy hàng các chợ, trong đó chú trọng nhất là lấy mẫu hàn the, formaldehyde được tiến hành thường xuyên. Bên cạnh đó, phòng Kinh tế quận Sơn Trà cũng phối hợp với Ban Quản lý chợ lấy mẫu test chuyên sâu đối với mặt hàng tinh bột chế biến mì quảng, bún tươi và bánh cuốn. Đặc biệt, Ban An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cũng tổ chức đến các chợ lấy những mẫu thực phẩm để xét nghiệm chuyên sâu và có những cái khuyến cáo cần thiết.
Nhân rộng chợ an toàn thực phẩm
Trong bối cảnh trên địa bàn TP Đà Nẵng ngày càng xuất hiện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, tính cạnh tranh khách hàng của chợ truyền thống với các kênh bán hàng hiện đại này ngày một rõ nét.
Để “níu chân” khách hàng, việc hướng tới xây dựng chợ an toàn thực phẩm, chợ văn minh thương mại là điều tất yếu và cần phải làm ngay. Điển hình, tại chợ Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), các tiểu thương kinh doanh thực phẩm đều trang bị đầy đủ tạp dề, găng tay đứng bán hàng. Các mặt hàng được niêm yết giá rõ ràng theo từng ngày.
Năm 2021, Ban Quản lý các chợ quận Sơn Trà đã sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục tại chợ Nại Hiên Đông, vì vậy cơ sở hạ tầng tại chợ khang trang hơn. Theo chị Phạm Hạnh, tiểu thương hàng bún, mì tại chợ Nại Hiên Đông, các tiểu thương đều trang bị thùng rác tại các điểm kinh doanh thực phẩm, bảo đảm mỗi tiểu thương một thùng rác. Riêng dịch vụ ăn uống và thủy hải sản dùng thùng rác có nắp đậy… Vì vậy, quầy hàng thực phẩm chế biến tại chợ rất được người dân tiêu dùng tin tưởng.
Đối với nhóm thực phẩm đã qua sơ chế và đóng gói, đội y tế phối hợp cùng Ban Quản lý các chợ kiểm tra hạn sử dụng, điều kiện bảo quản, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa bằng mã QR.
Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, năm 2022, Sở tiếp tục hỗ trợ các quận, huyện mở rộng việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho các chợ. Mở rộng triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm, hàng hóa đặc thù được sản xuất trên địa bàn như nông lâm thủy sản, thực phẩm, rau củ,... Qua đó, làm quen với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem QR code và dần từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc đồng bộ từ khâu nuôi trồng, chế biến nguyên liệu đến đóng gói, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, phân phối sản phẩm, tiêu thụ bằng mã hóa điện tử. Bên cạnh đó, ngành công thương đẩy nhanh việc nâng cấp hạ tầng các chợ, đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của chợ an toàn thực phẩm theo quy định.
Từ ngày 15-4 đến 15-5-2022, TP Đà Nẵng tiến hành “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” với nhiều hoạt động, gồm: tổ chức xe diễu hành, tuyên truyền trên các tuyến đường; triển khai Chiến dịch truyền thông bảo đảm ATTP với các thông điệp theo chủ đề “Hãy bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và là nhà quảng cáo, kinh doanh thực phẩm chân chính trên môi trường mạng”, “Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng - Lựa chọn tốt nhất cho bữa ăn của bạn”; tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn… |