Người nước ngoài thâu tóm đất và phạm tội
Cử tri Võ Hoàng Linh (trú xã Hòa Nhơn) lo ngại: “Hiện nay, có thông tin nhiều lô đất ven biển dọc đường Võ Nguyên Giáp thuộc quyền sở hữu của người Trung Quốc thì có đúng hay không. Tôi đề nghị Thành phố, Đại biểu Quốc hội trả lời cho dân được rõ”.
Cùng mối lo ngại, các cử tri khác cho rằng: “Thành phố chúng ta để cho người dân mua đất rất tự do, trong đó có người Trung Quốc. Người Trung Quốc họ bỏ 1 tỷ để mua không được thì bỏ ra 2 tỷ để mua bằng cách thông qua người Việt Nam. Việc này làm cho giá đất tăng cao, người thu nhập thấp và trung bình không thể mua được để ở”.
Trả lời cử tri về vấn đề này, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, dọc sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn) có 246 lô đất, trong đó có 21 trường hợp người Trung Quốc đứng tên.
Vấn đề người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam nói chung và tại TP Đà Nẵng nói riêng cũng là mối quan tâm của nhiều cử tri. Ông Ngô Minh Hồng (xã Hòa Châu) có ý kiến Quốc hội nên quan tâm nghiên cứu hơn về tình hình phạm tội của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã ghi nhận ý kiến của cử tri về các lo ngại tình hình tội phạm trong nước, người Trung Quốc phạm tội. Ông Nghĩa cho biết sẽ báo cáo với Quốc hội và các cơ quan chức năng của Chính phủ xem xét.
Khó lấy lại sân vận động Chi Lăng
Ngoài tình hình phạm tội, người nước ngoài thâu tóm đất, nhiều cử tri cũng quan tâm đến tình hình sân vận động Chi Lăng cùng hàng loạt các lô đất công sản.
Liên quan đến việc thất thoát tài sản của TP Đà Nẵng, cử tri Nguyễn Thuận đã nêu câu hỏi: “Khi thông báo gây thất thoát tài sản hơn 20 ngàn tỷ đồng thì trách nhiệm của người lãnh đạo Đà Nẵng các thời kỳ với nhân dân Đà Nẵng đến đâu? Đây không phải chuyện đơn giản là xét xử rồi xong, lịch sử sẽ ghi lại những chuyện này”.
Trả lời các vấn đề mà cử tri đề cập, ông Trương Quang Nghĩa cho biết, hiện nay thành phố được giao thực hiện việc thi hành án sau khi tòa tuyên vụ án Phạm Công Danh, trong đó có vấn đề về sân vận động Chi Lăng.
“Tìm hiểu, đánh giá toàn bộ hồ sơ và khả năng thực hiện, thì TP đã có báo cáo với Chính phủ cũng như Tòa án nhân dân tối cao là không thể thực hiện được các quyết định tuyên án của Tòa liên quan đến sân vận động Chi Lăng”.
Ông Nghĩa cho rằng, sở dĩ không thực hiện được bởi vì số tiền mà Phạm Công Danh đi vay ngân hàng bằng cách thế chấp sổ đỏ các lô đất ở sân vận động Chi Lăng, nhưng các sổ đỏ này được cấp bất hợp pháp. Sân vận động Chi Lăng chưa thông qua quy hoạch, chưa có quyết định giao đất, làm sao có 14 sổ đỏ. Và các sổ đỏ này thực tế cấp sai và cấp không đúng. Những người liên quan cũng đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Sau khi tòa tuyên án, thì nguyện vọng của người Đà Nẵng là muốn lấy lại, mua lại sân vận động Chi Lăng bằng cách hoàn trả tiền mà TP Đà Nẵng đã thu cộng với lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên còn rất nhiều quan điểm và cũng đụng chạm đến lợi ích, thẩm quyền trách nhiệm của các ngân hàng cho vay”.
“Quan điểm của TP Đà Nẵng đối với Sơn Trà sau khi có kết luận thanh tra, căn cứ vào quy hoạch sắp đến chúng ta sẽ làm, để làm sao phát triển du lịch nhưng gắn với việc bảo tồn bán đảo Sơn Trà”, ông Nghĩa khẳng định.
Ông Nghĩa cũng thông tin thêm, báo chí đã nêu việc có kết luận điều tra liên quan đến một số cán bộ cao cấp của TP Đà Nẵng gây tổn thất hơn 20 ngàn tỷ đồng. Đây là kết luận của cơ quan CSĐT, nhưng sẽ còn xem xét lại con số đó đã đúng hay chưa.