Đà Nẵng: Công bố quy hoạch Khu di tích Thành Điện Hải

Sáng nay, 12-3, Sở Văn hóa-Thể thao TP Đà Nẵng và UBND quận Hải Châu tổ chức công bố Quyết định phê duyệt Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu di tích Thành Điện Hải.

 (SGGPO).- Sáng nay, 12-3, Sở Văn hóa-Thể thao TP Đà Nẵng và UBND quận Hải Châu tổ chức công bố Quyết định phê duyệt Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu di tích Thành Điện Hải.

Đà Nẵng: Công bố quy hoạch Khu di tích Thành Điện Hải ảnh 1

Công bố sơ đồ quy hoạch chi tiết 1/500

 Theo đó, quy mô quy hoạch Khu di tích Thành Điện Hải rộng 26.519m², phía Bắc giáp đường Lý Tự Trọng; phía Nam giáp Trung tâm Công nghệ phần mềm; phía Đông giáp Trung tâm Hành chính và phía Tây giáp khu dân cư.

Cổng phía Nam của Thành Điện Hải

Hiện nay, khu vực hào, tường hào của Thành Điện Hải nay trở thành nơi xây dựng nhà dân, công trình kiến trúc, bãi đỗ xe... xâm hại đến di tích. Trong khu vực di tích bị xâm hại có 78 hộ dân thuộc diện phải thu hồi, di dời toàn bộ với tổng diện tích là 26.519m². Tổng kinh phí cho việc đền bù di dời, giải tỏa lấy lại diện tích hào, tường hào phía Tây và Bắc của Thành Điện Hải ước khoảng hơn 61 tỉ đồng.

Ông Huỳnh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao TP Đà Nẵng, cho biết: Thành Điện Hải là di tích lịch sử văn hóa quan trọng của TP Đà Nẵng. Vì vậy, trong nhiều năm qua, chính quyền và ngành văn hóa TP Đà Nẵng quyết tâm quy hoạch để lấy lại đất để khôi phục lại hiện trạng Thành Điện Hải, như: hào, tường hào, ụ súng, kho lương... 

Trong năm nay, việc giải tỏa và khôi phục Thành Điện Hải được thực hiện xong và đề nghị công nhận đây là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Thành Điện Hải được Bộ Văn hóa-Thông tin (trước đây) công nhận là Di tích lịch sử quốc gia ngày 16-11-1988 và được gắn bia di tích ngày 25-8-1998.

 Theo sử sách để lại, Thành Điện Hải nằm ở tả ngạn sông Hàn, được xây dựng lần đầu tiên dưới thời Gia Long (năm 1813), trước là đồn Điện Hải, gần cửa biển Đà Nẵng. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao, được xây bằng gạch và đến năm Minh Mạng thứ 15 (1835), đồn được đổi tên là Thành Điện Hải.

 Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), Thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556m, cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía Nam (cửa chính), một cửa mở về phía Đông. Trong thành có hành cung, có kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Thành xây bằng gạch, vuông vức. Hiện nay, tường thành phía Tây, Đông và các góc tương đối còn nguyên vẹn, còn cửa thành phía Nam đã mất và phía Bắc đã hư hại. Gần đây, di tích Thành Điện Hải được trùng tu, gia cố, phục hồi lại nguyên trạng. Một tượng đài uy nghi của Tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây, để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng.  Thành Điện Hải là đồn lũy quan trọng, gắn liền với tên tuổi danh tướng Nguyễn Tri Phương lãnh đạo nhân dân đánh thực dân Pháp.

 
Nguyên Khôi

Tin cùng chuyên mục