Qua thực hiện 15 năm Nghị quyết 33 và 5 năm thực hiện Nghị quyết 43, TP Đà Nẵng từ nay đến năm 2045 vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Điển hình, hiện nay TP Đà Nẵng đang tổ chức thực hiện 4 kết luận thanh tra Chính phủ (có những kết luận từ năm 2012) và 3 bản án.
Qua rà soát, riêng kết luận 2852, địa phương có 1.300 dự án đang “nằm” gần 10 năm nay và cần tháo gỡ. Nếu tháo gỡ được, địa phương sẽ có một nguồn lực rất lớn về đất đai. Trong vòng 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, địa phương chưa đấu giá thành công một lô đất nào. Tuy vậy, trung bình mỗi năm TP Đà Nẵng vẫn thu được 2.000 đến 2.700 tỷ đồng từ việc tháo gỡ các dự án. Riêng năm 2023, địa phương tháo gỡ được 17 dự án thì đã có khoảng 47.000 tỷ đồng các nhà đầu tư cam kết sẽ đầu tư vào.
Điểm thứ hai, cách đây 2 năm, Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị về phát triển Công nghiệp Công nghệ thông tin. Năm 2023, kinh tế số đóng góp khoảng 20% vào tăng trưởng GDP của TP Đà Nẵng. Năm 2023, xuất khẩu phần mềm khoảng 200 triệu USD. Điều này chứng tỏ rằng, nếu TP Đà Nẵng đi đúng hướng và với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cơ chế phù hợp thì lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh rất phù hợp với dư địa, mô hình địa phương.
Hay khi làm quy hoạch, Đà Nẵng thuê tư vấn Singapore và đơn vị này đã áp những mô hình phát triển với những đặc điểm địa chính trị như của Singapore cho Đà Nẵng. Tư vấn khẳng định, Đà Nẵng có đủ dư địa phát triển đến năm 2045.
Không chỉ vậy, theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, địa phương cần làm mới các động lực cũ. Du lịch dịch vụ vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy vậy, địa phương cần làm rõ về du lịch chất lượng cao cũng như sự liên kết của Đà Nẵng với các điểm du lịch khác, không chỉ miền Trung. Bên cạnh đó, Đà Nẵng được định hướng sẽ xây dựng trở thành trung tâm logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường hàng không, đường biển; có trung tâm tài chính quy mô khu vực và khu thương mại tự do, tuy vậy địa phương gặp những thách thức khá nhiều.
“Tựu trung, Nghị quyết 43 dùng rất nhiều từ ‘trung tâm’ cho Đà Nẵng nhưng thực sự chưa có chính sách gì cho thấy Đà Nẵng là "trung tâm". Điều này cần làm rõ bởi rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm và buộc TP Đà Nẵng phải chứng minh cho họ thấy địa phương thực sự là trung tâm trong các lĩnh vực khác nhau khi muốn họ đến đầu tư”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhìn nhận.
Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cơ bản đồng ý với các ý kiến đại biểu. Ngoài các định hướng được đưa ra của Nghị quyết 43-NQ/TW thì cần tập trung vào các giải pháp mang tính mới, chất lượng, đột phá gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; tập trung vào cơ chế thể chế hóa, cụ thể nghị quyết. Đặc biệt, cần nghiên cứu để ban hành các cơ chế chính sách mới, đặc thù, vượt trội nhằm thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, thu hút các nhà đầu tư chiến lược với các hệ sinh thái và chuỗi cung ứng, thu hút người tài và gia đình của họ đến làm việc tại Đà Nẵng.
“Việc phát huy động lực mới, cơ chế chính sách đặc thù mới cần có tính đột phá, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế mới tại Đà Nẵng, bối cảnh chung của cả nước và quốc tế. Đồng thời, tương đồng với các cơ chế chính sách đặc thù mới của thành phố được ban hành giữa các thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ chế chính sách này phải có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn”, ông Nguyễn Hồng Sơn nói.