Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX, XXI công nghệ thông tin, cùng với công nghiệp công nghệ cao được chọn là một trong ba hướng đột phá phát triển KT-XH trong nhiều năm qua và cả trong giai đoạn 2015-2020.
Phát triển công nghiệp CNTT, đặc biệt là ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số được kỳ vọng sẽ là nền tảng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, góp phần phát triển KT-XH và xây dựng thành phố thông minh, hiện đại.
Thành phố Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ của cả nước, thuộc duyên hải miền Trung, trên trục giao thông huyết mạch Bắc Nam cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; là đầu mối giao thông nối với vùng Châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, đặc biệt Đà Nẵng có đường bay thẳng đến 10 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông
Để phục vụ phát triển công nghiệp CNTT, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng thông tin viễn thông đồng bộ, hiện đại. Hiện nay TP Đà Nẵng là đầu mối viễn thông quan trọng của quốc gia và quốc tế với hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông có quy mô lớn, với các tuyến truyền dẫn quốc gia và quốc tế bảo đảm độ ổn định cao nhờ kết hợp nhiều phương thức: cáp quang biển, cáp quang trên bộ, cáp quang trên đường điện lực, viba và vệ tinh, với Trạm cáp quang biển quốc tế SEMEWE 3 có tổng dung lượng 80 Gbps kết nối Việt Nam với gần 40 nước ở Châu Á và Châu Âu; Hạ tầng viễn thông khá hiện đại với 60 đài vệ tinh phục vụ yêu cầu phát triển nhiều loại hình dịch vụ tiên tiến; Mạng đô thị TP Đà Nẵng (mạng MAN) do thành phố xây dựng riêng, với trên 300km cáp quang đi ngầm kết nối tất cả cơ quan Đảng, chính quyền với băng thông kết nối nội mạng (Intranet) từ 1Gbps đến 20Gbps và kết nối tập trung ra Internet với băng thông lên đến 4,5Gbps; Mạng kết nối không dây công cộng với 430 điểm phát sóng tại các khu vực trung tâm thành phố, các điểm du lịch, khu vực công cộng, Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng và UBND các quận, huyện, xã, phường; Trung tâm dữ liệu của thành phố có dung lượng lưu trữ đến 100TB sử dụng công nghệ ảo hóa.
Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT lớn trong nước và quốc tế, TP Đà Nắng đã triển khai quy hoạch thêm Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (341ha) và Khu CNTT tập trung số 2 (56ha) hiện đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng, Khu Công viên phần mềm số 2 (10ha) đang trong quá trình nghiên cứu khả thi.
Ngoài ra, TP Đà Nẵng còn có Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với tổng diện tích 1.129ha, đến nay đã cơ bản hình thành giai đoạn 1 với diện tích hơn 200 ha để phục vụ các nhà đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư.
Trên địa bàn TP Đà Nẵng còn có Tòa nhà phần mềm FPT Đà Nẵng được khánh thành đưa vào sử dụng năm 2010 tại khu công nghiệp An Đồn, với diện tích xây dựng 18.336 m², là nơi làm việc của hơn 1.500 nhân viên với hoạt động sản xuất chính là gia công và sản xuất phần mềm xuất khẩu và Khu Đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng (FPT City) do Tập đoàn FPT làm chủ đầu tư được xây dựng với tổng diện tích 181ha, bao gồm các công trình: Đại học FPT (25ha) đáp ứng nhu cầu học tập và giảng dạy cho khoảng 10.000 sinh viên và 1.500 cán bộ; Khu công nghệ phần mềm (33ha) là nơi làm việc của 10.000 kỹ sư, lập trình viên; Trung tâm tích hợp hệ thống thông tin/cung cấp dịch vụ viễn thông và internet cung cấp sản phẩm công nghệ thông tin và viễn thông đáp ứng chỗ làm cho 1.000 chuyên gia.
Ngoài ra còn có khu nhà ở cho cán bộ nhân viên, các khu biệt thự cao cấp, đất dành cho giao thông, sinh thái và các dịch vụ công cộng,... Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 4-2011, đến nay đã hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1 (khoảng 60ha), dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2020.
Nguồn nhân lực
Đến cuối năm 2016, dân số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là trên 1 triệu dân, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 573.507 người, chiếm 54,8% dân số toàn TP Đà Nẵng.
Nhìn chung thành phố Đà Nẵng có lực lượng lao động trẻ và dồi dào, được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề, có thể đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp tại thành phố cũng như cả ở khu vực miền Trung.
Đà Nẵng hiện có 25 trường Đại học, Cao đẳng; 19 trường trung học chuyên nghiệp, 59 trung tâm đào tạo nghề thực hiện các chuyên ngành đào tạo trên các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin, kiến trúc, kinh tế, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ… Đà Nẵng còn là nơi tập trung nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học với 5 đơn vị sự nghiệp và hơn 40 tổ chức khoa học - công nghệ thuộc các trường đại học, các doanh nghiệp trên địa bàn.
Nguồn nhân lực CNTT làm việc tại Đà Nẵng phần lớn được cung cấp từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố như: Đại học Bách Khoa, Đại học Sư Phạm, Đại học Duy Tân, Cao đẳng hữu nghị Việt Hàn, Trường Cao đẳng CNTT Đà Nẵng...
Hằng năm, số lượng người được đào tạo từ các cơ sở đạo tạo CNTT trên địa bànTP Đà Nẵng ước đạt trên 2.000 người. Ngoài ra, nguồn nhân lực CNTT tại thành phố Đà Nẵng còn được cung cấp từ các cơ sở đào tạo khác ở khu vực miền Trung và trên cả nước như Đại học Huế, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TPHCM.
Với nguồn lao động trẻ, Đà Nẵng có chi phí lao động và mức sống thấp hơn nhiều so với Hà Nội và TPHCM hoặc các thành phố lớn khác trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ đó, các doanh nghiệp CNTT vừa có điều kiện tiếp cận nguồn nhân lực trẻ, năng động, trách nhiệm, được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp vững vàng, đồng thời tiết kiệm chi phí, mở rộng đầu tư, kinh doanh.
Môi trường đầu tư, kinh doanh
TP Đà Nẵng được ghi dấu ấn với một đội ngũ lãnh đạo và bộ máy chính quyền năng động, sáng tạo và kiến tạo, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, thực hiện các cam kết và hành động quyết liệt nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh, tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT lớn trên thế giới: Triển khai, vận hành hệ thống thông tin chính quyền điện tử tập trung thành phố; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; Tăng cường triển khai các dịch vụ công trực tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, triển khai các ứng dụng thành phố thông minh; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa/ một cửa liên thông trong các thủ tục cấp phép đầu tư, kinh doanh, kê khai thuế,...
TP Đà Nẵng đã triển khai các chính sách ưu đãi của Trung ương về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, ban hành các chính sách hỗ trợ về hạ tầng, tín dụng, sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nhằm khuyến khích các doanh nghiệp CNTT phát triển. Nhờ đó, TP Đà Nẵng liên tục đứng đầu liên tục về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số cạnh trạnh cấp tỉnh (PCI Index), chỉ số quản trị hành chính công (PAPI Index), chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index).
Hệ sinh thái khởi nghiệp
Phát huy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong cả nước, Đà Nẵng đã ưu tiên tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như thành lập Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp TP Đà Nắng, thành lập Vườn ươm doanh nghiệp thành phố theo mô hình hợp tác công tư để tạo không gian làm việc chung và ươm tạo, nuôi dưỡng các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ các cá nhân hoặc nhóm cá nhân khởi nghiệp thông qua việc hỗ trợ, kêu gọi tài chính và nhân lực, tư vấn định hướng, chiến lược, thị trường.
TP Đà Nắng cũng đã tổ chức các hội thảo và triển lãm các gian hàng khởi nghiệp như Startup Fair 2016 nhằm tạo kênh đối thoại giữa chính quyền, doanh nghiệp, các quỹ đầu tư về vai trò của các tổ chức khởi nghiệp, mạng lưới nhà đầu tư, mạng lưới cố vấn, chuyên gia, nhà tư vấn trong hệ sinh thái khởi nghiệp để đưa ra những đề xuất, định hướng mang tính chiến lược trong việc phát triển khởi nghiệp tại Đà Nẵng.