Ngày 10-6, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng dự Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện việc tháo gỡ các điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 tại văn bản số 452/TTg-KSTT ngày 23-5-2023 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử chống thất thu thuế theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30-5-2023. Hội nghị này do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Tiên phong chuyển đổi số đem lại nguồn thu
Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 452/TTg-KSTT, Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06. Qua 1 năm thực hiện tháo gỡ các “điểm nghẽn”, TP Đà Nẵng đạt được những kết quả nhất định.
Về thể chế, địa phương xác định được 77 thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền của TP Đà Nẵng có thành phần hồ sơ là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy phải nộp hoặc xuất trình khi thực hiện thủ tục hành chính; tham gia góp ý 1 chỉ thị, 1 nghị quyết, 2 dự thảo luật, 5 thông tư có liên quan đến triển khai Đề án 06. Địa phương cũng ban hành Nghị quyết số 89/2023/NQ-HĐND ngày 14-12-2023 quy định mức thu lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố khi thực hiện các thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến tại TP Đà Nẵng.
Về hạ tầng, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TP Đà Nẵng với 2 hợp phần là Cổng Dịch vụ công và Phần mềm Một cửa điện tử đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu chính về Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Mạng đô thị thành phố (mạng MAN) với tổng chiều dài gần 400km cáp quang ngầm, mở rộng kết nối với tất cả các cơ quan Đảng và Nhà nước từ thành phố, quận/huyện, xã/phường. Trung tâm dữ liệu thành phố tiếp tục được nâng cấp, mở rộng, dung lượng lưu trữ đến 170 TB.
Số dịch vụ công trực tuyến chính thức cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến thành phố là 1.877/ 1.919 thủ tục hành chính (chiếm tỷ lệ 97,81%). Triển khai cung cấp 24/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, tiếp nhận và giải quyết 1.169.448 hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công, một số dịch vụ công có tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến đạt 100%.
Về dữ liệu, từ ngày 1-1-2023, Đà Nẵng đã thực hiện việc thu phí sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn TP Đà Nẵng đối với các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tra cứu thông tin ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn; hoạt động công chứng các hợp đồng, giao dịch; phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai; phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm. Với quy định này, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện chuyển đổi số đem lại nguồn thu cho ngân sách.
Đến nay, địa phương đã cung cấp gần 1.000 tập dữ liệu trên Cổng Dữ liệu mở thành phố (tăng 400 tập dữ liệu so với cuối năm 2022), tích hợp, chia sẻ gần 100 tập dữ liệu từ Cổng Dữ liệu mở thành phố lên Cổng Dữ liệu quốc gia. Hình thành Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố phục vụ thu thập, tích hợp, làm sạch, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khai thác, sử dụng. Kho dữ liệu Đà Nẵng được Bộ TT-TT đánh giá cao và giới thiệu để các tỉnh thành thực hiện.
Về nguồn lực, UBND TP Đà Nẵng phân bổ kinh phí thực hiện Đề án 06 trong năm 2024 là 20 tỷ đồng. Hiện TP Đà Nẵng có 1.166 cán bộ có trình độ chuyên ngành công nghệ thông tin hoặc chuyên ngành tương tự đang công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố.
Xây dựng cơ chế rà soát Đề án 06
Trong 1 năm, việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” vẫn còn một số hạn chế. Về thể chế, một số quy định chưa phù hợp, chưa đáp ứng việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06. Quy định tại Điều 40 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5-9-2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử thì “Tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập được kết nối, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia”.
Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn về việc tổ chức, doanh nghiệp đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh bằng tài khoản định danh điện tử. Hiện chưa có hướng dẫn thực hiện của bộ, ngành Trung ương, điển hình như việc chưa có hướng dẫn của Bộ TN-MT về làm sạch cơ sở dữ liệu đất đai.
Hạ tầng công nghệ nhìn chung còn chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu của đề án. Phần mềm dịch vụ công liên thông chưa có chức năng cho phép công dân thực hiện thanh toán phí, lệ phí trực tuyến khi nộp hồ sơ dịch vụ công liên thông. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Đề án 06 tại các sở, ban ngành, địa phương còn mỏng. Nhiều cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin đang làm việc kiêm nhiệm.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo triển khai Đề án 06 TP Đà Nẵng tiếp tục phát huy tính tiên phong, gương mẫu, đi đầu của thủ trưởng các đơn vị, địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện Đề án 06.
Thường xuyên rà soát, hoàn thiện thể chế, đề nghị ban hành mới, bổ sung, sửa đổi các quy định, văn bản quy phạm pháp luật còn vướng mắc, bất cập.
Tổ chức quán triệt đến toàn cán bộ nhận thức đúng và tầm quan trọng của Đề án 06. Việc thực hiện Đề án 06 xuyên suốt theo nguyên tắc “5 - 4 - 3 - 2 - 1, gồm: 5 nhóm: pháp lý - hạ tầng - an ninh an toàn - dữ liệu - nguồn nhân lực; 4 cấp: Trung ương - thành phố - quận, huyện - phường, xã; 3 tiện ích đem lại: văn minh xã hội - phát triển kinh tế - phòng chống tội phạm; 2 việc: nhận thức đúng - giải pháp, sáng tạo, đột phá phù hợp thực tế địa phương; 1 trách nhiệm người đứng đầu”.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, chia sẻ bài trên cổng, Trang thông tin điện tử thành phố, mạng xã hội, báo, đài, Tổng đài 1022... về tiện ích của Đề án 06.
Làm sạch cơ sở dữ liệu chuyên ngành để kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo tiến độ đề ra, nhất là các cơ sở dữ liệu.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong đó lưu ý việc rà soát, chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện giải pháp chuyển đổi VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Đặc biệt, xây dựng cơ chế theo dõi, kiểm tra việc triển khai Đề án 06 đảm bảo tiến độ thực hiện từng nội dung, làm rõ địa phương nào làm tốt, địa phương nào làm không tốt, chậm, muộn và nguyên nhân.