Tại cuộc họp, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng đề nghị các địa phương phát động phong trào khơi thông cống rãnh trước nhà. Thông qua giám sát, người dân đề nghị UBND TP Đà Nẵng rà soát lại quyết định giãn cách trong 7 ngày vừa qua. Nếu tình hình vùng xanh ổn định thì nghiên cứu nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống. Đến chiều 11-9, Đà Nẵng đã có 20 xã phường vùng xanh.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cơn bão tuy giảm cường độ nhưng mưa lớn kéo dài suốt ngày 11-9. Dự báo lượng mưa sẽ trên 300mm, các địa phương không chủ quan, tập trung ứng phó nguy cơ ngập úng cục bộ ở khu dân cư trung tâm TP Đà Nẵng, ở huyện Hòa Vang. Lực lượng chức năng phải ứng trực 24/24, bố trí ở những điểm có nguy cơ ngập sâu. Các tuyến đường phải có cảnh báo để người dân di chuyển an toàn. Đặc biệt, cân nhắc kỹ việc sơ tán dân, không sơ tán ồ ạt theo kế hoạch.
“Các địa phương đánh giá tình hình, xem xét quyết định một cách cụ thể. Chỉ xem xét sơ tán những trường hợp mất an toàn do ngập úng ở các khu quá trũng. Nếu sơ tán phải kèm các điều kiện về phòng chống dịch và số lượng tập trung vào các hộ dân, bố trí với từng phòng, khu vực để đảm bảo giãn cách”, ông Quảng nhấn mạnh.
Tối cùng ngày, tại cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng báo cáo, dù đóng cửa âu thuyền Thọ Quang để phòng chống Covid-19 nhưng vẫn đón 314 tàu cá ngoại tỉnh với 849 ngư dân vào trú bão tại khu vực riêng để bảo đảm an toàn. Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã kiểm tra tất cả các điểm có nguy cơ ngập úng, các công trình trọng điểm... Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để khi cần thiết có thể di dời 39.000 người ở các vùng nguy cơ sạt lở, ngập úng, nhà ở không kiên cố... và đảm bảo phòng chống dịch. |
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, dù khó khăn, tuy nhiên, 2 nhiệm vụ chống dịch và chống bão lại không thể thiếu. Hiện TP Đà Nẵng đổ ngã nhiều cây xanh, trước mắt thu dọn những cây ngã đổ trên đường, sau bão cần tổng dọn vệ sinh, cắt điện để đảm bảo an toàn.
Về công tác chống dịch, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng dự thảo phương án trong thời gian đến bám sát việc nới lỏng giãn cách như đã thực hiện trong 1 tuần qua trên cơ sở xác định 3 vùng. Mỗi vùng sẽ có ứng xử cụ thể, ở vùng xanh thì cho bán mang về hoặc tăng số lượng nhân sự ở các đơn vị sản xuất kinh doanh, các cơ quan,… Trước mắt thống nhất mở các cửa hàng sách giáo khoa, văn phòng phẩm để phục vụ cho học sinh năm học mới. Sở GD-ĐT và Sở TT-TT xây dựng phương án sớm để mở lại các cửa hàng văn phòng phẩm, nơi cung ứng sách giáo khoa cho học sinh. Xem xét cho phép mở các tiệm sửa xe, điện nước…
Sở GTVT khẩn trương hỗ trợ, tạo điều kiện tăng số xe vận tải để phục vụ vận chuyển hàng hóa đến các siêu thị, cửa hàng tạp hóa khu dân cư. Sở Công thương xây dựng kịch bản để mở các chợ, đặt biệt chợ đầu mối trên tinh thần chỉ phục vụ cho người dân Đà Nẵng. Các trường hợp ngoại tỉnh chỉ cho các xe vận tải lớn vào TP Đà Nẵng để kiểm soát, không bán lẻ. Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng xây dựng kịch bản mở lại âu thuyền Thọ Quang trên tinh thần chỉ phục vụ cho người dân Đà Nẵng và là đầu mối, không bán lẻ.
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, hiện có 1.236 tàu, thuyền đang neo đậu trong bờ. Các tàu du lịch trên sông Hàn đã di chuyển lên sông Cổ Cò và 646 ghe, thuyền thúng đã đưa lên bờ tránh bão. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng bố trí 150 cán bộ, chiến sĩ và 13 phương tiện (tàu, xuồng, ô-tô); Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng bố trí tàu công vụ hàng hải và 3 tàu thường trực để hỗ trợ phòng chống bão. Tháo dỡ lồng bè ở quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) trong ngày 10-9 Các địa phương đã yêu cầu người dân gia cố, neo giữ lồng bè, chòi canh và lên bờ để bảo đảm an toàn. Các đơn vị đã cắt tỉa được hơn 40% số lượng cây xanh trên các tuyến đường do thành phố quản lý; đối với cây xanh trên các tuyến đường do các quận, huyện quản lý thì tổ chức cắt tỉa đạt 90% kế hoạch. Tại 25 công trình xây dựng, có 39 cần cẩu trục tháp, trong đó có 21 công trình với 28 cần trục đã neo. |