Để sẵn sàng đón học sinh trở lại, thầy Phạm Cát, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hải Châu), cho biết, nhà trường kết hợp với Đội Thiếu niên Tiền phong xây dựng các video về hoạt động phòng chống dịch Covid-19 trước, trong và sau khi đến trường gửi đến học sinh. Cách làm này giúp các em dễ tiếp nhận qua hình ảnh, âm thanh dễ dàng hơn là qua phương thức chữ viết.
Trong lúc giảng dạy trực tuyến, ngoài việc nắm tình hình học sinh, giáo viên sẽ nhắc nhở phụ huynh hướng dẫn các em đeo khẩu trang đúng cách, giữ gìn vệ sinh cá nhân: rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn khô…
“Vừa qua, nhà trường đã tiến hành khảo sát và kết quả là số lượng các em học sinh đến trường khá thấp. Với số lượng như hiện tại, nhà trường sẽ vừa dạy học trực tiếp vừa kết hợp phương thức trực tuyến”, thầy Cát nói.
Theo ghi nhận, tại trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu), tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho học sinh lớp 8, 9 trực tiếp đến trường khá cao. Đối với lớp 9, tỷ lệ đạt 98%, lớp 8 đạt 94%.
Cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng THCS Lý Thường Kiệt cho biết, nhà trường thông báo cho phụ huynh, học sinh khối lớp 8, 9 đến trường với khung giờ khác nhau. Nhà trường đón học sinh lớp 8 trước lớp 9 tầm 15 phút. Mỗi khối 8, 9 sẽ có 6 lớp được chia làm 3 luồng có vách ngăn. Khi đến trường, các em sẽ được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay ngay tại sân trường.
“Khi vào lớp, nhà trường bố trí phòng cách phòng. Giờ chuyển tiết, các học sinh sẽ được giải lao tại lớp. Với những học sinh có nhu cầu ra khỏi lớp, các lớp sẽ có một quyển sổ theo dõi với thông tin học sinh ra ngoài, ngày giờ, địa điểm, lý do để thuận tiện cho việc truy vết khi có ca mắc Covid-19”, cô Minh thông tin.
Trong trường hợp xuất hiện F0 trong lớp học, theo ông Trương Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, về phương án, trước hết, quận sẽ thông báo cho Trung tâm y tế quận, Trạm y tế phường tiến hành cách ly, khoanh vùng lớp học.
Trường hợp F0, F1 là học sinh, nhà trường sẽ thông tin với phụ huynh phối hợp đưa đón học sinh về nhà một cách an toàn để cách ly tại nhà theo quy định. Trường hợp xuất hiện F0 là một nhóm học sinh, nhà trường sẽ phải đưa các cháu đến các phòng cách ly của nhà trường, hoặc cách ly ngay tại lớp nếu số lượng học sinh lớn. Sau khi cách ly, khoanh vùng, quận sẽ thông báo để nhà trường tiến hành khử khuẩn toàn bộ trường học và dạy học trực tuyến.
“Với các em học sinh ở độ tuổi nhỏ, quận có chỉ đạo làm sao để các cháu vào trường thì phải thực hiện nghiêm túc, bài bản 5K với việc sát khuẩn, đeo khẩu trang. Khi đối tượng F1 cách ly tại nhà là học sinh, phụ huynh là người chịu trách nhiệm và có sự giám sát của Tổ Covid-19 cộng đồng, địa phương để hướng dẫn, đảm bảo công tác phòng chống dịch”, ông Dũng cho hay.
Hiện nay, TP Đà Nẵng đang thí điểm điều trị F0 tại nhà tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), phường Thanh Bình (quận Hải Châu),...
Theo ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, đối với bậc Tiểu học, mỗi trường có 5 khối nên việc chỉ cho khối lớp 1 đi học và chỉ học một buổi trước nên nếu xảy ra trường hợp mắc Covid-19 sẽ dễ khoanh vùng, xử lý. Bên cạnh đó, các thầy, cô giáo sẽ được tập huấn để tiếp nhận thông tin, ứng phó với các trường hợp ghi nhận ca mắc tại lớp học; đồng thời hỗ trợ công tác truy vết và trấn an phụ huynh nếu có con em là F0.
“TP Đà Nẵng đã cho F1 cách ly tại nhà và từ tháng 12 bắt đầu triển khai thí điểm cách ly, điều trị người mắc Covid-19 (F0) tại nhà. Đây cũng là cơ sở để Sở GD-ĐT từng bước đề xuất cho học sinh các cấp trở lại trường học tập thích nghi với tình hình phòng, chống dịch trong trạng thái bình thường mới”, ông Minh Thành cho biết.
Tạo tâm lý thoải mái để cô giáo yên tâm giảng dạy trực tiếp Hiện nhiều phụ huynh bày tỏ quan ngại, không muốn cho con đi học vì tình hình dịch bệnh trên địa bàn còn phức tạp. Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu cho biết, đơn vị khá đồng cảm với những chia sẻ, lo lắng của phụ huynh và nỗ lực hết sức đảm bảo các phương án phòng, chống dịch ở mức cao nhất. Khi có sự cố xảy ra, đơn vị trường học phải nghiêm túc thực hiện yêu cầu, quy trình y tế để phụ huynh yên tâm đưa con đến trường. Đồng thời, các trường tiến hành động viên, tập huấn cho giáo viên chuẩn bị dạy học trực tiếp. “Bởi thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà là người dẫn dắt, tạo cảm hứng để khơi dậy sự ham học, tính tò mò đối với các em nhỏ. Quan trọng nhất, cô giáo vẫn phải tiếp tục công tác giảng dạy dù lớp, trường học chỉ rất ít học sinh đến trường”, bà Hà nhấn mạnh. |
Đà Nẵng chưa cho phép học sinh lớp 1 ở địa phương mức độ 3 đến trường Do các em là đối tượng chưa được tiêm chủng nên sẽ áp dụng vào trường hợp tỷ lệ tiêm chủng thấp để xác định việc đi học trực tiếp. Nếu phường/xã nào chuyển sang mức độ 3 trở lên (khác với cấp độ sẽ liên quan đến độ phủ vaccine) thì không cho học sinh lớp 1 đi học trực tiếp. |