Đà Nẵng chủ động phòng, chống, ứng phó thiên tai

Chiều 2-7, tại hội nghị chuyên đề phổ biến, quán triệt nội dung các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, nhiều đại biểu đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến nạo vét mương cống, chống ngập úng, sạt lở, cắt tỉa cây xanh, công tác sơ tán dân, dự báo thiên tai nhất là mưa lũ.

Công tác nạo vét, khơi thông cống rãnh trên địa bàn Đà Nẵng cần phải làm liên tục. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Công tác nạo vét, khơi thông cống rãnh trên địa bàn Đà Nẵng cần phải làm liên tục. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại TP Đà Nẵng, ngập úng đô thị đã và đang là vấn đề đặc biệt quan tâm đối với chính quyền thành phố trong những năm gần đây, nhất là sau trận mưa lịch sử ngày 14-10-2022. Theo ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, gần đây, một số trận mưa có tính chất cực đoan, cường độ mưa rất lớn nhưng tập trung trong khoảng thời gian rất ngắn (khoảng từ 20-30 phút), dẫn đến hệ thống cống thoát nước không thể chuyển tải kịp thời về các trạm bơm chống ngập hoặc cửa xả, gây ngập úng nghiêm trọng. Vì vậy, công tác nạo vét phải làm sớm trước mùa mưa. Để chủ động hơn, đơn vị bắt đầu đi rà soát cho thấy, các cống hầu như bị bít kín với nhiều lý do như hộ dân sinh hoạt đổ thức ăn, mỡ thừa vào cống; rải thải mỗi ngày... Việc nạo vét, khơi thông cần phải làm thường xuyên.

“Sở Xây dựng chỉ đạo hằng quý phải làm một lần, tuy nhiên cần có kinh phí để duy trì việc tổ chức tuần tra, rà soát được thường xuyên để xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần được tăng cường. Điển hình mỗi người dân thường xuyên khơi thông nạo vét khu vực xung quanh nhà ở, góp phần vào việc chống ngập úng cho khu vực. Ngoài ra, địa phương tổ chức công trình trọng điểm về thoát nước để giúp khơi thông kịp thời vào mùa mưa”, ông Hà chia sẻ.

z5595288469736_7afee3aac32d957f2ec1d9da93bc3966.jpg
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trong khi đó, ông Hoàng Thanh Hòa, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, địa phương đã xây dựng 5 phương án ứng phó với thiên tai. Trong đó, tập trung phương án ứng phó bão và ngập úng, lũ. Đến nay, quận Liên Chiểu tập trung rà soát có 75 công trình sơ tán tập trung người dân khi xảy ra bão; Phương án sơ tán lớn nhất là ứng phó bão cấp 12-13 là sơ tán 21.000 dân (chiếm 10% dân số của quận Liên Chiểu).

Đối với phương án ứng phó ngập úng, lũ, quận triển khai chủ yếu ở phường Hòa Khánh Nam có 4.100 dân (tương đương ½ dân của quận Liên Chiểu, tập trung ở đường Mẹ Suốt đổ ra đường Hoàng Văn Thái). Có khoảng 30 đơn vị quân sự TP Đà Nẵng phối hợp với các lực lượng của quận để sơ tán dân, phòng chống nhà cửa, di dời tài sản… Năm 2024, quận Liên Chiểu sẽ tổ chức nạo vét trong khu dân cư, cống thoát nước; cắt tỉa cây xanh thực hiện trước mùa mưa bão, vận động dân ứng phó tháo dỡ cửa che đậy thu nước trước cửa nhà; rà soát các công trình sơ tán để đảm bảo an toàn.

“Đề nghị TP Đà Nẵng đẩy nhanh dự án cao độ nền và thoát nước mưa đặc biệt ở tuyến quan trọng như Hồ Quý Ly - Phùng Hưng - Nguyễn Tất Thành; tuyến hồ Phước Lý - Hoàng Văn Thái - kênh Phú Lộc…; đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở khu vực Hòa Khánh Nam. Cơ quan khí tượng thủy văn phải dự báo chính xác thời gian và lượng mưa, thời điểm xảy ra để địa phương chủ động sơ tán dân. Dự báo chính xác thì chỉ trước khoảng 3 tiếng, chúng tôi khó di dời kịp. Sở Xây dựng sớm xây dựng bản đồ ngập úng đô thị, ngập ở vị trí nào, ở đâu, bao nhiêu mét để địa phương có cơ sở ứng phó”, ông Hòa chia sẻ.

Tại hội nghị, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận, các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ của mình chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai. Tùy từng cấp, mỗi chủ tịch là tổng chỉ huy tùy theo khu vực dân sự; bám sát thực tiễn địa phương, rút kinh nghiệm ở từng đợt xảy ra thiên tai và bám sát chỉ đạo Uỷ ban để chỉ đạo điều hành. Đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện công tác nạo vét cống, khơi thông cửa thu, cắt tỉa cây xanh. Trong đó, kiểm tra nạo vét các hồ trong sân bay. Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; có dự báo sớm để cắm biển cảnh báo, hạn chế thấp nhất tai nạn đối với người dân. Đặc biệt, các đơn vị tăng cường công tác phối hợp trong thực tiễn khi xảy ra vấn đề.

z5595288469844_0d70b892f7a20aaa6714bf243f0c2feb.jpg
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kết luận hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

“Xử lý vấn đề tránh ngập úng tại một điểm, rút kinh nghiệm từ năm trước, khi ra quân thì phải có phương tiện đầy đủ, có phương án để xử lý khẩn khi có vấn đề. Yêu cầu chậm nhất trước 31-8 phải hoàn thành công tác nạo vét cống rãnh; việc nạo vét cửa thu phải làm thường xuyên. Các đơn vị lưu ý công tác giám sát, thanh toán khối lượng bùn nạo vét cũng như cắt tỉa cây xanh để có sự đối chiếu”, ông Chinh nói.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với thiên tai và các tình huống tai nạn, thảm hoạ do thiên tai gây ra trong thời gian tới, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị 04 về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, giao nhiệm vụ cụ thể cho sở ban ngành, địa phương, lực lượng vũ trang và các đơn vị liên quan. Đồng thời, xây dựng các phương án và kịch bản phòng chống, ứng với 7 loại hình thiên tai chủ yếu như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn gây ngập lụt đô thị, vỡ hồ chứa và sóng thần.

Tin cùng chuyên mục