Covid-19 thay đổi “bức tranh” thu hút đầu tư
Dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hướng lớn đến các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Song, việc khống chế tốt dịch bệnh tạo điều kiện cho Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam sớm mở cửa trở lại nền kinh tế với các đối tác thương mại, đầu tư lớn. Đây là lợi thế không nhỏ so với các đối thủ cạnh tranh.
Với những dự án được cấp phép, ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng nhận thấy, trong thời điểm khó khăn dịch bệnh, việc thu hút các nhà đầu tư với các dự án lớn là kết quả của cả một quá trình lâu dài của thành phố. Trong đó, cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong tiếp cận các quỹ đất cũng như xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ... là “điểm rơi” rất quan trọng của thành phố khi có thể thu hút những dự án trên.
“Sau quá trình cấp phép, nhà đầu tư phải triển khai rất nhiều thủ tục theo quy định của pháp luật như hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công, các hồ sơ về môi trường, thủ tục đất đai, quy hoạch… Thông thường một dự án triển khai nhanh, thuận lợi, dưới sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành thì dự kiến trong vòng 6 tháng có thể khởi công được, tùy quy mô của dự án. Nếu dự án phức tạp, quy mô lớn thì công tác chuẩn bị của chủ đầu tư sẽ dài hơn”, ông Sơn lý giải.
Theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng), Đà Nẵng cần được nhân rộng và lan tỏa các thực tiễn tốt từ chính câu chuyện của mình, như Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, Mikazuki Spa và Hotel Resort Xuân Thiều đã rút ngắn thời gian thủ tục đầu tư và sớm đi vào hoạt động.
“Chất lượng không chỉ dựa vào số thủ tục có thể triển khai trực tuyến mà là chất lượng, số lượng thủ tục, hồ sơ được xử lý thông qua thủ tục công trực tuyến, thời gian được rút ngắn, tính minh bạch, chi phí chính thức và không chính thức được tiết giảm khi áp dụng thủ tục công trực tuyến so với cách “truyền thống” và được kết nối, chia sẻ, dùng chung trong quản lý…”, ông Quang nói.
Đối với ông Lee Sungnyng, Tổng Giám đốc Văn phòng Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng, trong thời điểm dịch Covid-19, Đà Nẵng đã tạo ra nhiều cơ hội để chính quyền lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, thể hiện sự "chăm sóc” sau đầu tư đối với nhà đầu tư. Cụ thể, với phương thức “thu hút đầu tư không tiếp xúc”, năm 2020 đã thực hiện hơn 100 cuộc họp video về xuất khẩu và đầu tư trong điều kiện không thể đi lại giữa Hàn Quốc và Việt Nam, trong đó có rất nhiều cam kết thành công giữa các công ty Hàn Quốc và các đối tác Việt Nam.
“Đà Nẵng cần nỗ lực hơn nữa để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư, mà ở đó, dịch Covid – 19 không phải nhìn nhận là một cản trở mà là cơ hội để Đà Nẵng bứt phá. Việc “chăm sóc” sau đầu tư với các nhà đầu tư hiện tại bằng các giải pháp như thu thập và giải quyết các khó khăn trong quá trình đầu tư kinh doanh của họ tạo nên niềm tin về một chính quyền năng động”, ông Lee Sungnyng nhìn nhận.
Nguồn nhân lực chất lượng cao
TP Đà Nẵng đang được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế lựa chọn là điểm đặt các dự án công nghiệp công nghệ cao. Thay vì tuyển nhân lực qua thông báo tuyển dụng, các doanh nghiệp đang có xu hướng “đặt hàng” với các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố.
Là một trong những dự án vừa được cấp giấy chứng nhận, theo bà Nguyễn Thùy Linh, Điều phối dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng, Đà Nẵng có tiềm năng về nguồn nhân lực để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa chọ kỹ thuật và công nghệ. Với những biên bản hợp tác với trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, doanh nghiệp có thể tiến hành tuyển dụng và chọn lựa những sinh viên tốt nghiệp các ngành điện tử, công nghệ thông tin và sau đó tiến hành đào tạo lại theo hình thức triển khai các khóa đào tạo chuyên môn sâu nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.
Là đơn vị đã có 15 năm hoạt động trên địa bàn TP Đà Nẵng, ông Ikeda Naoatsu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng có lợi thế về nguồn lực con người. Ông chắc rằng có rất nhiều nhân lực trẻ tại các tỉnh, thành phố lân cận muốn đến Đà Nẵng làm việc và sinh sống.
“Nhân lực làm việc tại công ty chúng tôi có thái độ làm việc khá nghiêm túc và có tay nghề. Con người Đà Nẵng cũng rất thân thiện. Hơn nữa, di chuyển tại Đà Nẵng rất thuận lợi, chỉ khoảng 30 phút để có thể di chuyển từ sân bay đến các khu công nghiệp, điểm du lịch…”, ông Ikeda Naoatsu nói.
Tuy nhiên, theo ông Ikeda Naoatsu, vấn đề thiếu hụt nhân lực rất tiềm tàng. Trong tương lai, khi du lịch được khôi phục và công nghiệp hóa được mở rộng, vấn đề này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, đơn vị mong muốn thành phố nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường sinh sống, đảm bảo nguồn nhân lực.
Theo ông Lê Minh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung, một lợi thế ở miền Trung cần nhấn mạnh là nguồn nhân lực có nền tảng văn hóa, trình độ học thuật tốt. Thực tế hiện nay, người miền Trung làm việc ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài miền Nam rất lớn và nắm giữ những vị trí quan trọng. Ở miền Nam có môi trường đặc biệt thuận lợi và những chính sách thu hút khá ưu đãi đủ để nhiều nhân tài ở miền Trung đi xa quê hương thể hiện tài năng. Trong tương lai gần, khi các doanh nghiệp lớn hình thành sẽ thu hút lao động sản xuất quay trở lại với miền Trung. Trong đó Đà Nẵng là trung tâm đào tạo các lĩnh vực để gia tăng giá trị sản phẩm, tạo nên một lợi thế cạnh tranh khá lớn.
“Đà Nẵng có vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo là một lợi thế. Các doanh nghiệp có thể đào tạo nguồn nhân lực miền Trung tại Đà Nẵng bởi lao động địa phương hiểu biết cặn kẽ về văn hóa và có thể phát huy những thế mạnh của quê hương một cách triệt để nhất”, ông Dương nhìn nhận.
Trong thời kỳ hậu Covid-19, hình ảnh tốt đẹp về một đất nước ổn định sẽ mang đến cơ hội lớn để thu hút đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là thu hút đầu tư vào khu vực miền Trung mà Đà Nẵng là địa bàn trọng điểm. Với những lợi thế như vị trí chiến lược, chính quyền năng động, lực lượng lao động dồi dào được đào tạo bài bản, chi phí đầu tư cạnh tranh và điều kiện sống an toàn, Đà Nẵng có hầu hết các điều kiện cơ bản để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngày 23-2, UBND TP Đà Nẵng đã trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án. Trong số này có 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ hai thị trường trọng điểm thu hút đầu tư của Đà Nẵng là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Theo đó, dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprise của nhà đầu tư Ha Vinh Ly và Nhe Thi Le (Hoa Kỳ) với vốn đầu tư 110 triệu USD; dự án Trung tâm Nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng của Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản) với vốn đầu tư 35 triệu USD; dự án EPE Packaging Việt Nam tại Đà Nẵng (Nhật Bản) với vốn đầu tư 300.000 USD. 3 dự án trong nước đầu tư vào Đà Nẵng có tổng vốn đăng ký đầu tư là 73,4 tỷ đồng. Dịp này, Đà Nẵng cũng trao Chủ trương nghiên cứu đầu tư cho Arevo Inc. (Hoa Kỳ) để đầu tư dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D. Dự án có tổng vốn đầu tư 135 triệu USD. Tính đến tháng 2-2021, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 24 dự án, trong đó có 12 dự án trong nước với vốn đầu tư 6.291 tỷ đồng và 12 dự án FDI với vốn đầu tư 545,1 triệu USD. Lũy kế đến nay, các khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thu hút được 496 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 26.561 tỷ đồng và gần 1,8 tỷ USD. |