Sớm di dời nhà máy thuốc lá
Đại biểu Trần Tuấn Lợi, tổ đại biểu quận Cẩm Lệ đặt câu hỏi về thời gian xây dựng cơ sở 2 Trường THPT Hòa Vang (1 Đỗ Thúc Tịnh, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) đã được TP Đà Nẵng phê duyệt với kinh phí hơn 120 tỷ đồng. Hiện ở lô đất rẻo nằm trên ngã 4 đường Hồ Nguyên Trừng, ngã 3 đường Lê Ngân (quận Cẩm Lệ) đã bị dân lấn chiếm làm nhà tạm để buôn bán vật liệu gây ô nhiễm môi trường.
Trả lời chất vấn, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng và quận Cẩm Lệ, việc mở rộng cơ sở 2 của Trường THPT Hoà Vang được thống nhất cách đây 3 năm.
Tuy nhiên, hiện cơ sở 1 thì diện tích không đủ, gần khu vực bay của hàng không Đà Nẵng do vậy ảnh hưởng rất lớn đến công tác giảng dạy học tập.
Trong quá trình triển khai thu hồi khu đất như đại biểu Lợi đề cập là trên cơ sở di dời Công ty Thuốc lá Đà Nẵng – cơ sở có vốn ngân sách nhà nước.
Hiện TP Đà Nẵng đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn với 2 vấn đề. Thứ nhất, báo cáo Bộ Tài chính thông qua Ban quản lý vốn để tiến hành xem xét hỗ trợ di dời. Thứ 2, chủ động liên hệ với ban quản lý tìm kiếm những khu đất phù hợp phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng cũng như bố trí lại cho nhà máy thuốc lá.
Hiện việc bố trí lại cần có sự thống nhất của chủ đầu tư – đại diện Nhà máy thuốc lá. Say khi thống nhất, TP Đà Nẵng sẽ sớm di dời cũng như tiến hành xây dựng cơ sở 2 Trường THPT Hòa vang.
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, vướng nhất lớn nhất trong vấn đề này là khâu bố trí mặt bằng di dời nhà máy thuốc lá. Còn TP Đà Nẵng đề xuất, HĐND đã thông qua chủ trương đầu tư.
“Gia hạn thêm 1 năm nhưng cố gắng làm sớm hơn. Vì vậy đề nghị sở ban ngành quan tâm chỉ đạo bởi việc này cũng là nguyện vọng của đông đảo cử tri Hòa Vang”, ông Triết nói.
Chậm thu hồi đất nhà nước cho thuê hết thời hạn
Hiện TP Đà Nẵng có 33 khu đất với hơn 200ha được Nhà nước giao cho các đơn vị, doanh nghiệp thuê sản xuất kinh doanh. Dù hết thời gian cho thuê, nhiều đơn vị chây ì không chịu trả đất, trong khi cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chậm thu hồi.
Đại biểu Vũ Quang Hùng, Bí thư Quận ủy Hải Châu nêu, quận Hải Châu đang tái thiết đô thị, rất cần quỹ đất… Trong khi đó, một số tổ chức, doanh nghiệp thường kéo dài thời gian bàn giao đất sau khi hết thời gian thuê đất. Nhiều cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong khu dân cư. Việc yêu cầu các đơn vị thuê đất hết thời hạn bàn giao mặt bằng để đầu tư xây dựng các công trình công cộng theo chủ trương là hết sức cấp thiết.
Theo báo cáo của Sở TN-MT, quận Hải Châu hiện có 72 thửa đất với tổng diện tích hơn 124.000 m² chuẩn bị hết hạn hoặc đã hết hạn thuê đất từ năm 2015. Dẫn chứng điển hình, khu đất số 88 (đường Thanh Sơn, phường Thanh Bình, quận Hải Châu) do Công ty Cổ phần Vinatex Đà Nẵng thuê đã hết thời gian thuê từ 31-12-2018. Đến nay doanh nghiệp chưa bàn giao.
“Đề nghị làm rõ trách nhiệm của đơn vị nào trong việc chậm trễ này. Trong quá trình tái thiết đô thị, nếu quận Hải Châu không đủ đất để tái định cư thì cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm chính?”, ông Hùng đặt vấn đề.
Quận Hải Châu có 6 khu với 18.000 m². Đối với khu đất số 88, đường Thanh Sơn do Công ty Cổ phần Vinatex Đà Nẵng thuê, theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT, khu đất có diện tích 6.019 m² được cho thuê vào năm 2002, đến tháng 12-2018 hết thời hạn thuê.
Năm 2020, TP Đà Nẵng ban hành quyết định thu hồi đất do nhà nước cho thuê đất có thời hạn nhưng không được gia hạn toàn bộ diện tích này. Tháng 4-2021, TP Đà Nẵng có Kết luận của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thống nhất dùng khu đất này đầu tư xây dựng trụ sở UBND phường Thanh Bình và Trường Mầm non Măng Non kết hợp công viên vườn dạo và bãi đỗ xe.
“Ngày 2-12-2021, UBND TP Đà Nẵng có công văn đề nghị Công ty Cổ phần Vinatex Đà Nẵng nghiêm túc thực hiện bàn giao khu đất và giao UBND quận Hải Châu làm việc với công ty, yêu cầu khẩn trương di dời. Trường hợp Công ty Cổ phần Vinatex Đà Nẵng không bàn giao đề nghị UBND quận Hải Châu thực hiện thủ tục tiếp theo để cưỡng chế theo quy định", ông Hùng cho biết.
Đại biểu Nguyễn Minh Huy, quận Hải Châu cho rằng, quá trình hoạt động, cơ sở sản xuất tại lô đất vừa nêu phát sinh bụi bặm, tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nhiều lần cử tri kiến nghị đến HĐND và UBND TP Đà Nẵng di dời cơ sở này ra khỏi khu dân cư. Vì vậy, đề nghị Sở TN-MT phải chịu trách nhiệm về vụ việc này. Nếu sở ban ngành không đồng hành với địa phương thì sẽ kéo dài quá trình thực hiện.
“Trước đây, sở ký hợp đồng cho thuê vì vậy sở có trách nhiệm xác minh, thực địa, trong trường hợp thấy cần thiết thì trình UBND cùng cấp quyết định thu hồi đất, tổ chức thu hồi trên thực địa và bàn giao cho tổ chức phát triển quỹ đất. Nếu chúng ta làm không đúng quy trình thì vướng vào khiếu nại của đơn vị bị thu hồi”, ông Huy cho hay.