Đà Nẵng cấp giấy đi đường QR Code trực tuyến: đơn giản, gọn lẹ

Người dân, doanh nghiệp chỉ mất 10 phút khai báo trực tuyến và vài giờ sau khi nhập liệu, hồ sơ đăng ký giấy đi đường hợp lệ sẽ được diệt và trả kết quả về email.

Giấy đi đường QR Code có thể lưu giữ trong điện
Giấy đi đường QR Code có thể lưu giữ trong điện

Nhanh chóng, thuận tiện

Từ khi triển khai giấy đi đường QR code, tại các chốt rất thưa vắng người, mặc dù số thẻ cấp ra đã gần 120.000 thẻ. Sau khi đăng ký làm giấy đi đường, ông Trần Hùng (người dân quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, tất cả công đoạn hoàn toàn trên internet. Việc xét duyệt chỉ trong vài giờ đồng hồ. Kết quả được trả về email, người dân được cấp tài khoản, mật khẩu để đăng nhập và sao lưu QR code xuống điện thoại hoặc in ra giấy. Để thuận lợi hơn cho việc kiểm tra, ông cũng in và dán QR code trên xe máy.

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp

“Lúc trước sử dụng mẫu giấy đi đường cũ, lực lượng kiểm tra lâu hơn bởi phải đối chiếu bản in có xác nhận, đóng dấu của đơn vị chủ quản và chính quyền địa phương với giấy tờ tùy thân mới cho qua. Nay, mỗi chốt tôi qua chỉ mất 3 đến 5 giây để quét mã bằng phần mềm, vừa nhanh gọn vừa không gây ùn tắc người trên đường”, ông Hùng nói.  

Để phục vụ việc cung ứng hàng hóa, Big C Đà Nẵng đã nhanh chóng đăng ký cấp 283 giấy đi đường QR code cho nhân viên.

Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc Big C Đà Nẵng cho biết, việc triển khai giấy đi đường QR code mang lại khá nhiều lợi ích. Bởi lẽ, khi quét QR code qua ứng dụng eTicket - Đà Nẵng có thể thấy tất cả thông tin về người được cấp giấy, đơn vị, cung đường đi,..

“Chỉ trong một thời gian ngắn đã phát triển ra được một hệ thống quản lý chặt chẽ, tiện ích. QR code được lưu dưới dạng tệp tin ảnh trong điện thoại và được in dán trên đầu xe để thuận tiện cho việc kiểm tra”, bà Thủy cho hay.

Đà Nẵng cấp giấy đi đường QR Code trực tuyến: đơn giản, gọn lẹ ảnh 2 Khi kiểm duyệt sẽ hiện thông tin người đi đường cùng thời gian hoạt động

Là đơn vị cấp số lượng giấy đi đường lớn nhất với hơn 35.800 giấy đi đường QR code, tuy vậy, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (Khu CNC&CKCN) vẫn xử lý cho các đơn vị đạt 100%.

Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban Quản lý Khu CNC&CKCN cho hay, việc triển khai mẫu giấy đi đường trực tuyến giúp giảm áp lực cho Ban quản lý, bởi quy trình thực hiện hạn chế thấp nhất tiếp xúc trực tiếp và tránh tụ tập đông người tại doanh nghiệp.

“Hầu như doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính xác thực thông tin người lao động, Ban quản lý chỉ kiểm tra chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp đăng ký hay một số yêu cầu khác, công việc nhẹ nhàng hơn khá nhiều”, ông Sơn cho hay.

Mẫu giấy đi đường của Sở Xây dựng với thông tin biển số xe, thời gian, điểm đi đến,...

Từ đợt dịch tháng 8-2020, một trong những biện pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc được Đà Nẵng thực hiện là phát phiếu cho người dân đi chợ theo ngày chẵn - lẻ, sau đó nâng cấp lên bằng việc ứng dụng thẻ vé QR code ở các chợ. Từ việc ứng dụng QR code đi chợ, Sở TT-TT triển khai trong việc đi đường, để giải quyết bài toán là làm thế nào để cấp giấy đi đường nhanh, chính xác và hạn chế tập trung đông người.  

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng, việc xây dựng ứng dụng quét QR code mà Đà Nẵng áp dụng là biện pháp để chủ động truy vết và kiểm soát. Nếu một địa điểm có ca mắc Covid-19 liên quan, từ hệ thống ứng dụng quét QR code sẽ có đầy đủ thông tin của những người lui tới. Hay tra thông tin đi đường của một người với thời gian, địa điểm bởi khi qua mỗi khu vực sẽ có chốt kiểm soát nhất định. Hơn nữa, việc kiểm tra giấy đi đường QR code cũng trở nên đơn giản khi người kiểm soát chỉ cần dùng điện thoại di động có tải app eTicket - Đà Nẵng quét mã là có thể thấy đầy đủ thông tin của họ.

Sau 2 ngày triển khai, đến cuối ngày 6-9, các sở ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xử lý và cấp khoảng 120.000 giấy đi đường bằng QR code cho người dân và doanh nghiệp. Hầu hết người dân, doanh nghiệp đánh giá cao việc triển khai cấp giấy đi đường QR code của Đà Nẵng thông qua hình thức trực tuyến hoàn toàn, áp dụng công nghệ QR code vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vừa góp phần trong phòng chống dịch.

Điều chỉnh để tối ưu

Việc triển khai đăng ký giấy đi đường QR code lần đầu, nhiều đơn vị khá lúng túng.

Theo bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Big C Đà Nẵng, mỗi đơn vị quản lý đều có thêm yêu cầu khác so với mẫu ở trên website. Đơn cử, Sở Công thương yêu cầu bổ sung thêm biển số xe, Sở GTVT yêu cầu bổ sung thông tin về tiêm vaccine phòng Covid-19 của người giao hàng… Điều này cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. Vì vậy bà Thủy đề xuất nên có một mẫu chuẩn để đơn vị tiện làm theo.

Không chỉ vậy, một số ngành nghề đặt thù cũng gặp khó khi bị giới hạn về số lượng cấp giấy.

Ngay khi có thông tin mới về việc nới lỏng một số hoạt động trong đó có hoạt động hỗ trợ tư pháp từ 2 ngày trước, chị N.T.T.S., SN 1988, trú phường Thanh Bình (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã thực hiện ngay việc đăng ký làm giấy đi đường cho kịp hạn. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc đặc thù nên mỗi vụ án là 1 luật sư đảm nhiệm không ai có thể thay thế, trong khi chỉ có 30% được đi làm nên không thể đáp ứng được công việc.

Lực lượng chức năng kiểm tra cố định tại một số chốt kết hợp tăng cường tuần tra lưu động 

"Nếu như văn phòng chỉ có 2 hoặc 3 người mà áp dụng theo 30% thì nghĩa là chỉ có 1 người đi làm. Giải quyết hồ sơ vụ án mà thực hiện trực tuyến thì thật khó khăn...", chị S. cho hay.

Theo sở TT-TT TP Đà Nẵng, có 30,7% đề nghị cấp giấy đi đường QR code không được xét duyệt vì lý do: hồ sơ nộp không đúng đối tượng được phép hoạt động theo Quyết định 2905; hồ sơ nộp không đảm bảo phương án phòng chống dịch, giấy cam kết sơ sài; danh sách nhân viên đề nghị cấp giấy thiếu thông tin như không có lộ trình, tuyến đường chính, thời gian đăng ký, biển số xe, không có mục đích tham gia giao thông, không có thông tin vùng nguy cơ đỏ xanh vàng...; danh sách nhân viên đăng ký giấy không đúng ngành nghề cho phép hoạt động... Vì vậy, Sở TT-TT bố trí 20 nhân lực trực tổng đài 1022 hỗ trợ. Mỗi ngày tổng đài 1022 tiếp nhận từ 5.000 đến 7.000 cuộc gọi liên quan đến việc cấp giấy đi đường QR code.

Chuyển giao phần mềm cấp giấy đi đường hỗ trợ các tỉnh, thành khác

Tối 6-9, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng yêu cầu bổ sung thêm ngôn ngữ tiếng Anh cho việc đăng ký giấy đi đường tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài khi có nhu cầu đi lại. Các sở ban ngành cần có hướng nghiên cứu hợp lý để người dân không có mã số thuế, không thuộc doanh nghiệp,... có thể làm giấy đi đường khi có lý do cần thiết mà không cần đến UBND phường.

“Sở TT-TT cần nghiên cứu thêm để làm sao bất kỳ người dân nào khi có nhu cầu sẽ được cấp giấy nhưng không cần phải đến UBND phường, mình cố gắng hạn chế mức tiếp xúc trực tiếp nhất có thể”, ông Triết đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho hay, việc cấp giấy đi đường QR code đã hạn chế được những chướng ngại trước đây như tập trung đông người ở nơi cấp giấy, người dân khó khăn trong tiếp cận cơ quan chức năng cấp giấy, ùn ứ nơi kiểm soát… Một số tỉnh, thành trao đổi, đề nghị chuyển giao phần mềm giúp đỡ họ trong phòng chống dịch.


“Lãnh đạo các địa phương có gọi điện cho tôi đề nghị trao đổi và cho phép chuyển giao phần mềm để các địa phương thực hiện. Tôi đã có chủ trương rồi, suy cho cùng chúng ta làm việc tốt cho công tác phòng chống dịch thì nên chia sẻ kinh nghiệm”, ông Quảng nói.

Tin cùng chuyên mục