Vướng về cơ chế quản lý
Theo bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, TP đang triển khai đầu tư 3 cụm công nghiệp gồm: Cẩm Lệ, Hoà Nhơn và Hoà Khánh Nam. Trong đó, cụm công nghiệp Cẩm Lệ đã được đầu tư, thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng hoàn thành sớm nhất. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành 90%, dự kiến hoàn thành vào quý III-2022, giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào quý IV-2022.
“Dù có thể đưa doanh nghiệp tiếp cận được đất đai. Tuy nhiên vướng mắc hiện nay là thuê đất và cho thuê đất. TP Đà Nẵng đang làm việc để xin Thủ tướng cơ chế để giải quyết vướng mắc này. Dự kiến, sẽ phấn đấu đưa cụm công nghiệp Cẩm Lệ vào hoạt động quý IV-2022 sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý xử lý vướng mắc”, bà Phương nói.
Đối với cụm công nghiệp Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), dự kiến công tác giải phóng mặt bằng hoàn thành trong quý III-2022, triển khai thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành trong năm 2023.
Đối với cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), trong quý II-2023 sẽ hoàn thành giải tỏa mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
“Hiện sở công thương đang rà soát các cơ sở sản xuất thô, gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề đá mỹ nghệ non nước để đưa vào các khu, cụm công nghiệp. Đối với ngành nghề khác, TP Đà Nẵng có đánh giá sơ bộ, bước đầu có khoảng 500 cơ sở kinh doanh có nhu cầu đi vào các khu công nghiệp. Tuy nhiên, 3 năm rồi cần cập nhật lại số liệu để xác định thực tế từ đó làm cơ sở chuyển đổi ngành nghề và di dời cơ sở sản xuất kinh doanh”, bà Phương cho hay.
Để phát triển cụm công nghiệp trong giai đoạn tới, Sở Công thương Đà Nẵng đã xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp, trong đó đề xuất quy hoạch phát triển mới một số cụm công nghiệp tích hợp vào phương án tích hợp vào quy hoạch tỉnh trong giai đoạn 2025 – 2030, tầm nhìn 2050. Phương án này vừa qua đã được Thành ủy Đà Nẵng thống nhất cơ bản. Trên cơ sở các cụm công nghiệp mới đã được thống nhất, Sở Công Thương Đà Nẵng sẽ xây dựng chương trình phát triển hạ tầng cụm công nghiệp và dự kiến trình UBND TP Đà Nẵng vào cuối năm 2022.
Cần tham khảo mô hình địa phương khác
Đề cập vấn đề này, ông Ngô Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho hay, tiến độ đầu tư giai đoạn 1 cụm công nghiệp Cẩm Lệ về cơ bản đã xong. Hiện chỉ vướng ở chính sách quản lý để vận hành, khai thác. Đối với giai đoạn 2 đã thực hiện được 87% công tác đền bù giải tỏa.
Theo ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, huyện đang giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành trong tháng 7-2022.
Còn ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho rằng, dự án cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam sau khi điều chỉnh còn 13,2 hecta với 233 hồ sơ. Hiện nay còn vướng trong khu vực bãi rác Khánh Sơn. Công tác thông báo thu hồi đất cơ bản thực hiện xong. Quận đang triển khai bước đầu công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đang trình thành phố có phương án bố trí tái định cư.
“Kế hoạch tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng trong quý II-2023; phối hợp với Sở Công thương Đà Nẵng trong xây dựng các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để lựa chọn được nhà đầu tư chất lượng”, ông Huy thông tin.
Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, về đầu tư hạ tầng giai đoạn 2 khu công nghiệp Hòa Cầm, ngày 18-3, Thủ tướng đã phê duyệt chấp thuận đầu tư khu công nghiệp giai đoạn 2. Hiện Ban quản lý đã tham mưu UBND TP Đà Nẵng ban hành kế hoạch triển khai, dự kiến đến 15-11-2022 sẽ lựa chọn được nhà đầu tư và sau đó sẽ triển khai các thủ tục tiếp theo như đền bù, giải tỏa, đầu tư kết cấu hạ tầng.
Về khu công nghiệp Hòa Ninh, TP Đà Nẵng đã trình hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, các Bộ ngành Trung ương đang xử lý. Dự kiến đến đầu năm 2023, Đà Nẵng sẽ lựa chọn được nhà đầu tư. Về khu công nghiệp Hòa Nhơn, tiếp tục tham mưu ủy ban TP sớm có quỹ đất phục vụ cho sản xuất.
"Phải cố gắng lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm, đặc biệt là khả năng thu hút các nhà đầu tư để việc phát triển sản xuất công nghiệp thành phố có kết quả tốt hơn", ông Sơn nói.
Tại chương trình, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết, các cụm công nghiệp còn đang vướng mắc về quy định đầu tư. Trong luật đầu tư công quy định không được đầu tư công khu, cụm công nghiệp trừ khu vực miền núi, hải đảo. Trong khi cụm công nghiệp Cẩm Lệ đã sử dụng đầu tư công nên hiện tại đang vướng về cơ chế quản lý. Vì vậy, TP Đà Nẵng đang xin cơ chế đặc thù để giải quyết vướng mắc này.
Ông Triết cho biết thêm, chủ trương đầu tư, phát triển mới các khu, cụm công nghiệp là đúng đắn và cần quyết liệt triển khai. TP Đà Nẵng phát triển theo cơ cấu thương mại – dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp. Dịch Covid–19 cho thấy, cơ cấu kinh tế như vậy khiến địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành du lịch - dịch vụ - thương mại. Vì vậy, phát triển công nghiệp có định hướng trong điều kiện quỹ đất ít giúp TP Đà Nẵng bền vững, toàn diện hơn.
“Doanh nghiệp sản xuất trong khu dân cư thì do địa phương cấp phép làm, bây giờ hoạt động thì ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn. Suốt ngày, chúng ta gõ cửa kêu doanh nghiệp di dời, nhưng mà đi đâu thì không hướng dẫn? Tôi đề nghị UBND TP Đà Nẵng, Sở Công Thương Đà Nẵng và các quận, huyện phải đeo bám, tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc”, ông Triết nói và cho rằng nên tham khảo cách làm của các địa phương khác.